Họa sĩ Latvia gốc Việt kể chuyện nhân vật lịch sử Việt Nam: Mong nối chí người xưa

(VOV5) - Dự án Việt sử nhân vật của họa sĩ Cao Việt Nguyễn khi mới được giới thiệu trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm cực lớn từ bạn đọc.
Họa sĩ Latvia gốc Việt kể chuyện nhân vật lịch sử Việt Nam: Mong nối chí người xưa - ảnh 1Họa sĩ Nguyễn Cao Việt

Dự án "Việt sử nhân vật" - được họa sĩ người Latvia gốc Việt - Kaovjets Ngujens (Cao Việt Nguyễn) nghiên cứu và hoàn thiện trong gần 2 năm, với mong muốn minh họa chân dung của hàng trăm nhân vật trong chính sử, bao gồm cả những nhân vật ít khi được nhắc tới nhưng có ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy lịch sử dân tộc.

Đó có thể là Thái thú nhà Đông Hán tham lam hung dữ, đã hại chết Thi Sách, khiến chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị nổi binh, chiếm thành ở Lĩnh Nam và xưng vương. Đó có thể là một vị chỉ huy sứ đã hi sinh trong trận Bạch Đằng lịch sử, hoặc một vị Sứ quân cát cứ đã gây vô vàn khó khăn cho Đinh Bộ Lĩnh. Đó có thể là viên tướng nhà Tống dẫn quân sang xâm lăng nước ta, rồi cuối cùng bị thảm bại tại phòng tuyến sông Như Nguyệt.

Cuốn sách đầu tiên của dự án tổng hợp 264 nhân vật và 28 sự kiện lịch sử từ thời Hồng Bàng đến thời Lý, từ một họa sĩ trẻ người Việt ở nước ngoài, khi mới được giới thiệu trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm cực lớn từ bạn đọc. Họa sĩ Nguyễn Cao Việt trả lời phỏng vấn về dự án này.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Vâng, thưa họa sĩ Nguyễn Cao Việt Là một họa sĩ vẽ nhiều về đề tài lịch sử, anh có ý tưởng minh họa những nhân vật lịch sử của Việt Nam, những nhân vật lịch sử liên quan đến Việt Nam này từ bao giờ?

Họa sĩ Cao Việt Nguyễn: Cuối năm 2023, tôi có một cái ý tưởng về một một cái liên quan tới các nhân vật lịch sử Việt Nam. Ban đầu chỉ có cái ý tưởng là minh họa một số nhân vật lịch sử Việt Nam mà thôi, và chỉ minh họa khoảng tầm 6 nhân vật gì đó. Nhưng sau đó dần dần mới thấy có tiềm năng rất lớn để phát triển thành một dự án lớn hơn. Từ đó tôi bắt đầu minh họa nhiều hơn và phát triển thành dự án Việt sử nhân vật cho tới bây giờ.

Họa sĩ Latvia gốc Việt kể chuyện nhân vật lịch sử Việt Nam: Mong nối chí người xưa - ảnh 2Một trang trong Việt sử nhân vật của họa sĩ Cao Việt Nguyễn.

Anh vừa nói là “có tiềm năng”. Chữ tiềm năng ở đây có nghĩa là như thế nào?

Họa sĩ Cao Việt Nguyễn: Vẽ càng nhiều nhân vật thì tôi mới để ý dự án này có cái gì đó rất tiềm năng ở trong đó, theo thời gian tôi quyết định sẽ phát triển thành một dự án sách. Ban đầu tôi không nghĩ sẽ vẽ nhiều như vậy (cho tới nay tổng cộng có có 264 nhân vật). Lúc đầu chỉ nghĩ có thể vẽ vài chục người hoặc cao lắm là 100 người thôi, nhưng càng vẽ nhiều lại càng phát hiện ra cần phải vẽ nhiều hơn nữa.

Một lý do quan trọng, là trong một lần tra cứu về lịch sử, trong đầu tôi hiện ra câu hỏi: Làm cách nào để có thể vẽ nên được lịch sử? Cuối cùng tôi mới hiểu ra được rằng, để vẽ lên được lịch sử, thì phải thông qua các nhân vật lịch sử, vì họ chính là những người làm nên lịch sử. Để có thể vẽ được một bức tranh lớn như thế, trong đó phải có cả các nhân vật chính và các nhân vật phụ và họ lại là những người có ảnh hưởng nhất định trong cái dòng lịch sử đó. Đó là lý do tại sao dự án này ngày càng được mở rộng như vậy cho đến bây giờ.

Có những lý do gì để anh lựa chọn vẽ về nhân vật lịch sử, không chỉ vẽ một vài nhân vật mà hiện nay đã trên 200 nhân vật lịch sử rồi, vì cái đề tài này không hề dễ.

Họa sĩ Cao Việt Nguyễn: Tại vì hiện nay vấn đề học lịch sử Việt Nam có những rào cản nhất định. Có vài lần là mình trao đổi với một số bạn làm giáo viên dạy sử, các bạn có chia sẻ, rất là khó để truyền tải lịch sử đến với học sinh, tại vì rất thiếu hình ảnh. Với lại hiện nay đa phần những người Việt Nam, những người thật sự yêu thích lịch sử Việt Nam cũng chỉ có hình dung được một số nhân vật quan trọng nhất định trong lịch sử, nhưng đồng thời họ lại cũng bỏ quên một số nhân vật phụ khác - những người đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam. 

Thành ra không thể nào xem cuốn sách này như một cuốn từ điển, nhưng nó sẽ giúp ích cho người đọc hiểu được dòng chảy lịch sử Việt Nam diễn ra như thế nào. Vì các nhân vật đều được sắp xếp theo trình tự theo dòng chảy lịch sử Việt Nam. Câu chuyện của người này sẽ liên quan tới câu chuyện của người kia. Và khi tra cứu sẽ thấy được sự liên quan đó. Nó giúp cho mình nhớ.

Họa sĩ Latvia gốc Việt kể chuyện nhân vật lịch sử Việt Nam: Mong nối chí người xưa - ảnh 3Một nhân vật trong Việt sử nhân vật

Phải nhìn nhận một thực tế là, kể cả cả viết tiểu thuyết hay nghiên cứu lịch sử cũng không hề dễ dàng khi phải có những nghiên cứu về văn hóa của một cái thời kỳ đã qua. Huống hồ anh lại lựa chọn vẽ, tức là hiện thực hóa bằng hình ảnh chi tiết nhiều điều chỉ có trong vài dòng chính sử hay dã sử, hoặc trong tưởng tượng của các nhà thơ, nhà văn. Chưa kể dù anh đã từng vẽ minh họa rất nhiều tranh lịch sử cho Lavia cũng như có các dự án ở Việt Nam, nhưng anh lại là một họa sĩ vẽ rất là kỹ, rất là chi tiết.

Họa sĩ Cao Việt Nguyễn: Thật ra ban đầu tôi cũng không nghĩ sẽ phức tạp đến như vậy. Vì trước đó tôi cũng có cọ xát với một số dự án lịch sử Việt Nam rồi. Nhưng khi bắt đầu hiện thực hóa nó, mình mới phát hiện có sự phức tạp rất lớn. Cuốn sách này minh họa từ thời Hồng bàng cho đến hết thời Lý. Ví dụ một số thời kì như là thời Lý thì có thể khắc họa được, vì hiện nay có những đầu sách đã có sự nghiên cứu định về thời kì đó và các nhóm cổ phong cũng đã phỏng dựng lại những trang phục của thời kì đó rồi. Nhưng giai đoạn trước đó lại có sự khó khăn rất lớn, đặc biệt là thời kỳ Bắc thuộc, mình không có nhiều tư liệu.

Ngoài ra còn một số nhân vật, kể cả nhân vật người Việt lẫn nhân vật người Trung Quốc, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi vẽ. Ví dụ như có những triều đại của Trung Quốc trang phục của họ cũng có nhiều thay đổi. Lúc đó mình lại phải đi nghiên cứu trang phục của họ và phát hiện ra có những trang phục họ cũng chưa phỏng dựng lại, mình phải đối chiếu với tranh vẽ, hay phù điêu…

Còn đối với trang phục của người Việt, đương nhiên mình cũng phải có một sự sáng tạo trong đó, nhưng ở trong khuôn khổ giới hạn, nghĩa là có những trang phục có thể nói là trên 60% đã từng xuất hiện. Mình chỉ vẽ trong cái khuôn khổ đó thôi và cố gắng không có đi quá xa. Đó chính là cách hiện thực hoá dự án như thế này.

Họa sĩ Latvia gốc Việt kể chuyện nhân vật lịch sử Việt Nam: Mong nối chí người xưa - ảnh 4Những bức tranh đều được Cao Việt Nguyễn nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ các thư tịch cố trong và ngoài nước, tranh, tượng cổ...,để cố gắng đảm bảo tính chân thực được nhiều nhất.

Ngoài ra tôi cũng phải rất cám ơn những người đã giúp đỡ, ví dụ như nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tác giả của Ngàn năm áo mũ. Khi mình đưa bản thảo này, thầy  đã tận tình chỉ dẫn, đặc biệt là ở trang phục của người Việt. Hiện nay rất khó để dùng cái từ “phục dựng”, tại vì cơ bản chúng ta đã mất quá nhiều, chúng ta không có hiện vật để có thể thể phục dựng lại. Nhưng chúng ta vẫn có thể minh họa hoặc phỏng dựng lại theo những chi tiết lịch sử đã ghi vào trong chính sử của chúng ta như thế nào. 

Quan trọng hơn, thầy Đức cũng đưa ý kiến, là chúng ta cần phải tiếp nhận với một tinh thần cởi mở nhất. Nghĩa là cố gắng đừng ở trong khuôn khổ mà cần cởi mở hơn đối với những trang phục phỏng dựng hiện nay. Và cần phải xoáy sâu vào những điểm đặc trưng văn hóa Việt ở trang phục của chúng ta. 

Cũng phải rất cảm ơn bạn Nguyễn Ngọc Phương Đông, vì khi tôi rất muốn có một slogan cho dự án "Việt sử nhân vật", Đông đã giới thiệu một câu trích dẫn từ "Đại việt sử ký toàn thư". Vừa đọc xong câu này, mình cảm thấy rất ưng, vì rất đúng với cái tầm nhìn, cái mục đích dự án muốn hướng tới: Mong nối chí người xưa/ Thuật lại việc trước/ Tóm gọn điều cốt yếu/ Tập hợp cho hoàn thành. Trong "Đại Việt sử ký toàn thư" đã viết như vậy. Nó là hướng đi mà dự án muốn đạt tới, là cũng muốn nối chí của người xưa, kể lại những câu chuyện của các nhân vật đời trước.

Vâng, xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Cao Việt đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Hy vọng rằng với số lượng độc giả đặt sách đông đảo, mặc dù sách chưa ra mắt, cũng có thể mang lại niềm vui cho họa sĩ: là người Việt Nam ta rất yêu lịch sử của đất nước và rất muốn tìm hiểu về lịch sử của đất nước mình. Một lần nữa xin cảm ơn họa sĩ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác