(VOV5) - Sân khấu Nhà hát Bến Thành, giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, như có một Truông Bồn thật sự hiện diện với rừng núi ngút ngàn,..
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Để đi đến chiến thắng lịch sử ngày 30/04/1975, quân và dân Việt Nam đã trải qua bao gian khổ, mất mát, hy sinh trong nhiều năm ròng.Biết bao người con đất Việt đã dũng cảm ngã xuống, quyết bảo vệ tâm bảo vệ từng tấc đất quê hương, trong đó có các chiến sĩ thanh niên xung phong của Đại đội 317 – Đội 65 – Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An, tham gia chiến đấu tại mặt trận Truông Bồn. Để tri ân sự hy sinh của những người con đất Việt ấy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã viết tác phẩm “Hoa lửa Truông Bồn” – một vở kịch hát xúc động, gây ấn tượng mạnh với người xem.
Bối cảnh sân khấu là tọa độ lửa Truông Bồn, nơi 13 thanh niên xung phong của Tiểu đội 2, Tiểu đội Cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào ngày 31/10/1968. - Ảnh: Hà Khánh
|
Vở kịch hát “Hoa lửa Truông Bồn” được giới thiệu tới khán giả phương Nam trong những ngày đất nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo dõi vở diễn, công chúng đã không thể kìm được nước mắt khi hòa mình vào không gian đậm chất lịch sử của những năm tháng hào hùng với phần hóa thân xuất sắc của dàn diễn viên chuyên nghiệp.
Sân khấu Nhà hát Bến Thành, giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, như có một Truông Bồn thật sự hiện diện với rừng núi ngút ngàn, như có một làng quê Nghệ An yên bình với ao sen, hoa cỏ, cây đa cổ thụ… Bối cảnh sân khấu chính, cũng là không gian chính diễn ra các tình huống kịch, là tọa độ lửa Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương. Tại nơi đây, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong của Tiểu đội 2, Tiểu đội Cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào ngày 31/10/1968 tại tuyến lửa Truông Bồn, một trong những tọa độ lửa khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chỉ vài giờ trước khi lệnh ngừng ném bom ở miền Bắc của Mỹ được thực thi.
Vở diễn chạm đến trái tim người xem khi tập trung khắc họa hình tượng các chiến sĩ thanh niên xung phong của Tiểu đội 2 ở thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. - Ảnh: Hà Khánh |
“Hoa lửa Truông Bồn” gồm 4 cảnh, từng cảnh mở ra như từng đoạn hồi ức về các chiến sĩ thanh niên xung phong Truông Bồn ở thời khắc ác liệt, sinh tử nhất của cuộc chiến tranh với nhân vật chính là tiểu đội trưởng Trần Thị Thông và các chiến sỹ nữ tuổi đời còn rất trẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, tác giả của “Hoa lửa Truông Bồn” cho biết vở kịch hát này bên cạnh yếu tố nghệ thuật độc đáo còn truyền đi thông điệp đầy tính nhân văn: “Chúng ta ca ngợi công lao, sự hy sinh anh dũng của những người đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có các tiểu đội của Truông Bồn. Thứ hai, chúng ta tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là truyền thống xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Chúng tôi cũng muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ rằng chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay, đầy đủ, thậm chí khá giả hơn nhưng không được quên xương máu của cha ông đã ngã xuống và chúng ta phải biết trân quý những điều đó.”
"Hoa lửa Truông Bồn" để lại nhiều cảm xúc lắng đọng đối với khán giả. - Ảnh: Hà Khánh |
Nhiều năm trôi qua, sự kiện Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, thế nhưng, với những nghệ sĩ tham gia vở kịch “Hoa lửa Truông Bồn”, mọi thứ sống động đến nghẹn ngào. Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, cùng đoàn diễn viên đã tham gia gần 20 suất diễn “Hoa lửa Truông Bồn”, vậy nhưng suất diễn nào cũng trọn vẹn cảm xúc như lần đầu tiên: “Tôi nghĩ đến sự hy sinh, mất mát của những lực lượng thanh niên xung phong và tôi hóa thân vào chính họ. Tôi hiểu được nỗi đau, sự mất mát của những nữ thanh niên xung phong ngày ấy. Chính vì vậy, mỗi đêm diễn chúng tôi có một cảm xúc khác nhau. Nhiều khi tôi cố kìm nén cảm xúc của mình để khỏi bật ra tiếng khóc để nước mắt khỏi tuôn rơi khi đang diễn.”
Vở diễn chạm đến trái tim người xem khi tập trung khắc họa hình tượng các chiến sĩ thanh niên xung phong của Tiểu đội 2 ở thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Họ đã làm nên tượng đài bất tử với tên gọi Tiểu đội thép anh hùng. 13 trong 14 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng sáng 31/10/1968, khi chỉ còn mấy tiếng nữa, quân đội Mỹ sẽ tạm ngừng ném bom miền bắc. Trong số họ, có người đã nhận được giấy gọi từ giảng đường đại học, có người chuẩn bị về hậu phương lập gia đình…; nhưng họ vẫn tình nguyện ở lại làm nốt công việc ngày cuối cùng để giúp đường ra trận thông suốt, và rồi mãi mãi nằm lại Truông Bồn.
Thể hiện hình ảnh những người anh hùng đã ngã xuống, nhưng “Hoa lửa Truông Bồn” không tập trung khắc họa sự hy sinh mà đi sâu tái hiện những khoảnh khắc “đời” nhất của các thanh niên xung phong. Qua phần thể hiện giàu cảm xúc của các diễn viên,
“Hoa lửa Truông Bồn” chạm đến trái tim người xem qua từng chi tiết, lời thoại trong âm hưởng đằm thắm đến nao lòng của điệu dân ca ví giặm. Khán giả trẻ Võ Thị Thanh Trà cho biết: “Là một người trẻ sinh ra trong thời bình và lớn lên tại miền Nam, trước giờ em ít nghe đến địa danh Truông Bồn. Khi được xem vở kịch, em vô cùng xúc động trước sự hy sinh của những người đi trước. Em tự hứa với bản thân phải cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình và chung tay xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.”.
Ở “Hoa lửa Truông Bồn”, người xem cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, chiến công phi thường của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, của nhân dân Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ trên đất Nghệ An, đặc biệt là ở Tọa độ lửa Truông Bồn. Vở kịch cũng khơi dậy niềm tự hào, biết ơn của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước đã lấy máu xương, mồ hôi, nước mắt và cả tuổi thanh xuân để đấu tranh và gìn giữ độc lập, tự do, độc lập, thống nhất cho đất nước.