(VOV5) - Đối với những tác phẩm trong nước, điểm nổi bật lần này là có nhiều vở diễn mang tính mới mẻ đột phá, đem lại những món ăn mới lạ cho công chúng yêu nghệ thuật.
Khai mạc Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV: |
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV diễn ra từ ngày 4-13/10 tại Hà Nội. Năm nay có sự gia tăng về số lượng đơn vị tham gia khi có 14 vở diễn trong nước và 7 vở diễn nước ngoài. Liên hoan là cơ hội để các nghệ sỹ, đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; từ đó, thúc đẩy sự phát triển, đổi mới của nghệ thuật sân khấu. Đối với những tác phẩm trong nước, điểm nổi bật lần này là có nhiều vở diễn mang tính mới mẻ đột phá, đem lại những món ăn mới lạ cho công chúng yêu nghệ thuật.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Sân khấu thử nghiệm” là một thuật ngữ để chỉ các phong trào nghệ thuật nhằm cách tân sân khấu bằng những đổi mới mang tính tiên phong về phong cách, ngôn ngữ thể hiện, cấu trúc tác phẩm… Những đổi mới này góp phần đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Một cảnh trong vở "Ngàn năm mây trắng" |
Đánh giá về chất lượng của các tác phẩm tham gia Liên hoan, NSND Lê Tiến Thọ cho biết, với sự nỗ lực, khám phá tìm tòi phong cách thể hiện sân khấu mới, mang tính đột phá, sáng tạo và tính thử nghiệm cao trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, các tiết mục sân khấu thử nghiệm tham gia lần này có tính đa dạng của đề tài và phong cách nghệ thuật.
Một số vở diễn được dàn dựng và công diễn trong gần đây như Ngàn năm mây trắng của Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam, Hà Nội của những giấc mơ của Liên đoàn xiếc Việt Nam và Huyền thoại Gò Ấp Rồng của sân khấu Lệ Ngọc… đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, Ngàn năm mây trắng được đánh giá tác phẩm lạ khi có sự tổng hòa duyên dáng của các loại hình nghệ thuật chèo, cải lương, hát xẩm, ca Huế.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bày tỏ: “Có những loại hình nghệ thuật mà bấy lâu nay chưa được thể hiện đó là giữa chèo và cải lương, chèo với ca Huế, hay hát xẩm. Đó là tiêu chí tìm tòi mới. Ngoài sự phối hợp giữa loại hình nghệ thuật này với loại hình nghệ thuật kia còn có sự kết hợp giữa sân khấu Việt Nam và sân khấu thế giới. Hai ngôn ngữ ấy họ thử nghiệm để truyền tải thông điệp cho người xem”.
Một cảnh trong vở "Mơ rồng" của Nhà hát múa rối Thăng Long |
Nhắc đến loại hình nghệ thuật múa rối, Thân phận nàng Kiều của Nhà hát múa rối Việt Nam và Mơ rồng của Nhà hát múa rối Thăng Long cũng là hai tác phẩm đem đến một màu sắc riêng biệt cho Liên hoan. Những tình tiết, cảnh trí trong Thân phận nàng Kiều và Mơ rồng được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, bằng không gian - ánh sáng trừu tượng đặc sắc, mới lạ, âm nhạc truyền thống kết hợp đương đại. NSƯT Chu Lượng, Phó giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long chia sẻ: “Tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm, chúng tôi phải làm cho cả người lớn xem, chứ không chỉ dành riêng cho trẻ em. Vở “Mơ rồng” nói lên được tất cả về đời sống, xã hội, nhận thức, hiểu biết. Giới thiệu các nền văn hoá của các nước, các châu lục đều nằm trong vở diễn của chúng tôi. Đó là tiêu chí của chúng tôi. Nếu nhà hát nào muốn đi được xa và muốn làm được đều phải hướng đến điều đó”.
Đáp lại nỗi lo về thực trạng sân khấu Việt Nam hiện nay còn chậm đổi mới và chưa nhiều cách tân, hai tác phẩm Cậu Vanya (Nhà hát Tuổi trẻ) và Nữ ca sĩ hói đầu (Sân khấu Lucteam) đã cho thấy nỗ lực làm mới sân khấu của các nghệ sĩ Việt. Từ những kịch bản quen thuộc trên thế giới, các nghệ sỹ Việt Nam đã “phá bỏ” những công thức dàn dựng cũ, đưa thêm những chất liệu, chi tiết mới, gần gũi với cuộc sống đương đại để tạo nên những vở diễn mới lạ.
NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ: “Sân khấu truyền thống của chúng ta là kịch tính và giấu kịch tính, xem xong mới mở được nút thắt. Giấu kịch đó giờ họ mở ra, tạo ra một sân khấu như gắn với sân khấu phương Đông. Hiện nay mình đang có những tìm tòi, khám phá như vậy. Hay sân khấu truyền thống cải lương lại bằng một người diễn nhiều vai. Sân khấu được mở rộng ra, đã là ước lệ rồi nhưng giờ còn có tính ước lệ cao hơn. Tính ước lệ của sân khấu cần được phát huy trong sân khấu thể nghiệm. Đó là sự tìm tòi”.
Một cảnh trong vở "Nữ ca sĩ hói đầu" của nhóm Lucteam. |
Xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước, kịch phi lý đã nhận được sự đón nhận của công chúng yêu nghệ thuật trên thế giới. Ở Việt Nam, trước đây kịch phi lí vẫn mới chỉ nằm dạng bản thảo, NSƯT Trần Lực và nhóm Lucteam là những người tiên phong trong việc dàn dựng và ra mắt kịch phi lí ở Việt Nam với vở “Nữ Ca sĩ hói đầu”.
NSƯT Trần Lực chia sẻ:“Vở Nữ ca sĩ hói đầu thuộc dòng kịch phi lí. Kịch phi lí điều mạnh nhất chính chống lại sự nhàm chán của kịch truyền thống. Kịch truyền thống luôn có cốt truyện rất rõ ràng. Nhân vật kịch phi lí không sắc nét như kịch truyền thống. Cũng như những dòng kịch khác, qua mỗi vở kịch đều truyền tải thông điệp của mình. Kịch phi lí có cách kể truyền tải riêng, câu chuyện riêng của mình, tưởng rằng câu chuyện không có sự liên kết với nhau, tưởng rằng câu chuyện nhưng đằng sau đó đọng lại triết lí về cuộc sống, quan hệ giữa người với người”.
Cộng hưởng với những tác phẩm sân khấu thế giới, Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ IV hứa hẹn cống hiến cho công chúng những tác phẩm sân khấu những mới mẻ đột phá. Liên hoan cũng là cơ hội tìm kiếm những thử nghiệm mới, nâng cao cấu trúc, ngôn ngữ đạo diễn, hình thể và sáng tạo những hình thức thể hiện trong nghệ thuật sân khấu.