Mai Lâm: viết hay thậm chí sống nhiều khi cũng giống cuộc chơi...

(VOV5) - .."Hà Nội có thay đổi thì vẫn cứ gắn bó với mình thôi...Chắc cái đấy người ta gọi là quê hương.."

Trong một số chương trình trước đây, chúng tôi từng giới thiệu với quý vị về “người kể chuyện” Mai Lâm, người tưởng như một “tay chơi” lắm nỗi phong trần, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lại định cư ở Đức từ năm 1987; và cũng là người đã kể những câu chuyện đời mình, đời bạn, đời phố Hà Nội theo một giọng rất riêng qua những tập Từ xa Hà Nội.

Mai Lâm: viết hay thậm chí sống nhiều khi cũng giống cuộc chơi... - ảnh 1Mai Lâm trong phòng tranh Lê Phổ, ở xa Hà Nội. - Ảnh: FBNV

Câu chuyện lần này, là khi chúng tôi gặp ông trở về thăm lại Hà Nội từ Liên bang Đức, sau mấy năm biền biệt cách trở quê hương – như tất cả những người xa xứ khác, bởi sự gián đoạn không tưởng do “trận đại hồng thủy” covid 19 quét qua hầu khắp thế giới. Và trong cuộc trò chuyện lần này của chúng tôi tại phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam ở 45 Bà Triệu, Hà Nội, lại cũng không thể thiếu câu chuyện về Hà Nội, rộng ra hơn, là tình người với người - mà không phải chỉ vì covid 19 chúng ta mới nhận ra điều đó.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Vâng thưa anh Mai Lâm, chuyến trở về Hà Nội lần này của anh, thực sự thì có gì đặc biệt?

Mai Lâm: Mình thấy mỗi một lần là sự giống nhau chứ không đặc biệt. Về cơ bản giống nhau nhưng có cái khác nhau. Hà Nội luôn luôn thay đổi và mình cũng thế, mình cũng thay đổi. Khi hai cái thay đổi đó ngược chiều nhau càng thay đổi nhiều lắm. Ví dụ như thành phố nhiều bê tông hơn, bụi hơn, cũng ngột ngạt hơn, mình thì già hơn… giống như đẩy xa nhau ra.

Nhưng có điều mình không lý giải được. Mình không biết với Hà Nội thì mình có quan trọng gì không, vì mình nhớ Hà Nội ngày xưa vắng, có một vạn dân, và mình là thành phần trong một vạn, giờ là hàng triệu dân thì mình càng ngày càng lẫn trong đám đông.

Có thể Hà Nội sẽ không còn nhớ đến một thằng nhặt sấu nơi vỉa hè mà lúc nãy mình vừa mới đi qua nữa. Nhưng mình không lý giải được, với mình Hà Nội có thay đổi thì vẫn cứ gắn bó với mình thôi...Chắc cái đấy người ta gọi là quê hương, nhỉ. 

Nếu nói lần nào cũng là đặc biệt thì cũng được, bởi vì đối với mình Hà Nội đặc biệt, mà lần nào giống nhau thì cũng thế. Năm sau về, lần sau về cũng thế.

Nó có khác chứ. Bởi vì mọi năm thì anh có thể về liên tục, năm nào anh cũng có thể về hoặc có thể không về vì điều kiện kinh tế. Nhưng rõ ràng là mấy năm vừa đại dịch và mình phải ở một chỗ, có muốn cũng không về được đúng không?

Mai Lâm: Cái đấy là khao khát chung. Bây giờ và cả sau đợt đấy mà mọi người ào ạt trở về, không cứ mình mà tất cả Việt kiều ở mọi nước trên thế giới lũ lượt về. Và vé máy bay cũng đắt, khó mua rồi.

Sự mong chờ ấy có cái khác. Hà Nội không đơn thuần là một địa danh, mà gắn với những người thân của mình. Ví dụ như mẹ mình mất rồi, Hà Nội lại khác đi một tí. Bạn mình một, hai người mất thì Hà Nội cũng lại khác đi một tí. Tất cả những cái ràng buộc, những cái gắn bó, những cái mong đợi bị khuyết một phần nào đó đi.. tôi cho là phải chấp nhận, dù nhiều khi mình không ý thức được nhưng nó là như thế.

Anh nói khi anh về có thể mẹ anh mất hoặc là bạn bè mất cũng sẽ là một phần khuyết đi… theo em thấy đấy là điều rất lớn trong con người Mai Lâm. Bởi vì tất cả những tác phẩm của anh, những điều anh viết đều đau đáu chữ tình: tình bạn, tình người, tình mẹ con, tình cảm gia đình. Thực ra tất cả những câu chuyện anh chia sẻ về “chơi” cũng là chia sẻ về chuyện tình nghĩa đó. Khi anh viết, những câu chuyện đấy đã tự nó trôi chảy ra như thế nào?

Mai Lâm: viết hay thậm chí sống nhiều khi cũng giống cuộc chơi... - ảnh 2" Hà Nội không đơn thuần là một địa danh, mà gắn với những người thân của mình."

Mai Lâm: Thực ra khi mình viết, như mình đã nói hay là Hà nói: mình là người kể chuyện. Điều này cũng rất đúng. Cũng giống như người ta gọi Tô Hoài là kể chuyện.

Thế nhưng “kể chuyện” không có nghĩa là mình kể lại một câu chuyện gì đó từng xảy ra trong đời mình. Năm người cùng chứng kiến một câu chuyện, một sự kiện, năm người có năm cách kể khác nhau. Thành ra gọi là người kể chuyện nhưng thực ra khi anh nói về vấn đề gì đó, anh nhận xét ai đó, anh cũng đang nói về mình.

Nói về Hà Nội hay nói về mẹ mình hay bạn bè, hay kể chuyện riêng của mình... đặc biệt là mình không cần cố gắng. Có sao nói vậy thôi. Nếu có một chút nào cố gắng, là mình chỉ muốn làm thế nào cho giản dị nhất. Không dám nói là vượt qua văn chương, mà nói không bị gò bó.

Tôi cho rằng người viết hay là người giúp bạn đọc không để ý tới đang đọc chữ nữa mà người ta bị cuốn vào (câu chuyện), đấy mới là người viết hay. Chứ còn anh đang làm văn, đang làm câu chữ, anh còn cố gắng thì anh chưa lao động đủ. Khi anh đã lao động đủ, người ta không nhìn thấy sức lao động của anh nữa.

Anh nói rằng anh viết rất tự nhiên. Những câu chuyện đến với anh như thế nào?

Mai Lâm: Không biết các nhà văn làm thế nào hoặc có ý định, tư tưởng…một cái gì đó lớn lao không, thì tôi không có cái gì như thế. Ví dụ như cuốn gần đây nhất của tôi là "Tay chơi". Nhà xuất bản muốn có một cuốn “tay chơi” sau khi  mấy cuốn của tôi in ra rồi. Họ nghĩ mình là một người chơi, sưu tầm đồng hồ chơi rượu. xì gà … Khi đặt bút, hướng của mình cũng là viết về những thú chơi, nhưng khi viết xong rồi đọc lại toàn bộ, nó lại không phải như thế nữa. Điều đó chứng tỏ một điều là, ý đồ của mình không thật rõ, mình không chuyên nghiệp hoặc là mình bị cảm hứng cuốn theo.

Nhưng rõ ràng khi viết về CHƠI, thì cũng chỉ là viết về tình cảm của mình với bạn bè, với gia đình, với Hà Nội, hay ở nước ngoài cũng là con người với con người. Chơi hầu như chỉ là một cái cớ để bộc lộ ra những quan hệ xã hội hoặc những thăng trầm của mình.

Chơi thì nhiều người viết về chơi có thể rất là hay, người ta chơi sâu hơn chẳng hạn. Nhưng tôi vẫn đặt tên là “Tay chơi”, vì suy cho cùng giống như tôi nói, viết hay thậm chí sống nhiều khi cũng giống cuộc chơi. Không có gì quá quan trọng đến mức bảo là “cày trên cánh đồng giấy trắng”. Hoặc điều đấy quá lớn lao, quá hay rồi nhưng mình không làm được. Đối với mình còn xa vời lắm. Mình chỉ kể lại những gì giản dị nhất, cái đấy là quan trọng nhất. Viết tức là mình phải bỏ hết tất cả những gì gọi là văn chương, điều ấy cũng không mới lạ gì cả, nhưng cố gắng làm như thế để đến với người đọc (một cách) giản dị nhất.

Tất nhiên nếu đọc truyện của anh thì có thể cảm nhận được, nhưng anh có thể chia sẻ thêm là, khi anh trở về Hà Nội và khuyết thiếu đi những người bạn, thì (cảm giác) như thế nào?

Mai Lâm: Đấy là cái quan trọng. Ví dụ như tôi về đây ba tuần nhưng chưa đi lên mạn phố Cầu Gỗ lần nào. Ngày xưa ba tuần thì mình có thể lên đấy 2, 3 lần rồi. Thế nhưng phố Cầu Gỗ mà không có bạn Phúc của mình lại trở thành một cái phố xa lạ rồi. Mà ngày xưa tôi rất hay đi vòng qua, đi lang thang có khi đi vòng ra tận Hàng Gai, rồi qua hàng chả Quốc Hương mua cho bạn mình một túi nem chả gì đấy, rồi vòng lên nhà bạn ngồi. Nhưng từ ngày bạn mình mất đi, phố Cầu Gỗ vẫn là phố Cầu Gỗ nhưng nó lại cũng không phải nữa.

Hay nhà mình cũng thế. Nhà tôi ở ở 19 Trần Quốc Toản từ khoảng năm 1955- 56. Nhưng bây giờ vẫn nhà đấy, vẫn cái ngõ vẫn phố đấy nhưng mẹ mình mất rồi, em mình về bên Ecopark, bây giờ về đấy ở một mình thì lại thấy nó không phải là nơi chốn đó nữa. Mình lại phải tìm chỗ nào đó ở, vì ở đấy buồn, lên xuống nó trống rỗng và nó nhắc nhở những kỷ niệm ngôi nhà không còn như xưa nữa.

Có lẽ là Hà Nội với mỗi một con người nó cũng sẽ rất khác nhau. Bởi vì nó gắn với kỷ niệm của riêng từng người một.

Mai Lâm:  Đúng như thế thôi.

Xin cảm ơn anh về những điều mà anh đã chia sẻ cùng thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác