(VOV5) - Đây là câu chuyện nói về sự tìm kiếm, sự chia sẻ, tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống, với nhu cầu hiểu hơn về sự ra đi và sự trở về.
Một gương mặt văn học mới xuất hiện kể từ sau cuộc thi Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ vừa qua, thuộc trong số ít các cây bút trẻ người Việt đang du học hoặc làm việc hay định cư tại nước ngoài, là Mai Thảo Yên. Truyện dài Người lạ của cô, khi đó đã được trao giải nhì của cuộc thi này. Mai Thảo Yên hiện đang là nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại Đại học Upsala, Thụy Điển.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, khi đọc cuốn Người lạ của Mai Thảo Yên. đã nhận xét: “Tôi rất lạ bởi tình yêu của một người du học nước ngoài vẫn quan tâm tới đời sống văn học Việt. Đón nhận cuốn của Mai Thảo Yên với nhan đề Người lạ tôi rất hồi hộp khi tôi tham dự cuộc thi truyện của NXB Trẻ, đến tận lúc NXB Trẻ trao cho nó giải nhì. Tôi đánh giá đây là một sự công tâm, một sự chú ý đến người Việt ở nước ngoài. Cô viết về người Việt tầng lớp trí thức trong quá trình hội nhập ở nước ngoài. Có người nói Người lạ chỉ nói về những khó khăn của đời sống đi du học. Với quan điểm của tôi thì cách đánh giá đấy là cách hạ thấp một tác phẩm. Người lạ của Mai Thảo Yên khảo sát một vùng sinh hoạt của người Việt. một con người cụ thể được đào tạo, sống, sinh hoạt, để vươn lên những tầng tri thức mới , tầng văn hóa mới. ”
|
Và với nhà văn Nguyễn Văn Thọ, đây là một tác phẩm đáng đọc vì: "Ở đây cung bậc được diễn tả như một truyện dài, nhưng mà nó có yếu tố tiểu thuyết, khi cài đặt những giá trị tư tưởng. Quan sát bao hàm nó trong việc nhìn rõ, thẩm thấu chân dung bản mục của một người Việt Nam khi va chạm với một nền văn hóa mới. Mà ở đây có nhiều gương mặt khác nữa để mà so đọ.
Mặc dù NXB Trẻ ấn hành với chữ “truyện dài”, nhưng tôi đánh giá nó như một cuốn tiểu thuyết. Cách viết về nhân vật An trong đó, những nhân vật ngoại quốc cũng du học cùng nhau trên con đường di dân ấy, đã soi sáng một góc chiếu: Bản thân nhân vật An này cũng trở thành người lạ của chính mình. Đấy là vấn đề mà các cuốn tiểu thuyết của các bạn trẻ từ trước đến nay không khai thác được. Ở dây nó hiện rất rõ trong vấn đề của di dân. Người Việt ở đây là nhân vật An được đối chiếu, được so sánh với các nhân vật khác, mà bản thân cô cũng phát hiện ra cô là một cá thể mới. Chủ đề này tôi cho là rất hay. ”
Điều khá thú vị là, Người lạ từ khi ra mắt bạn đọc, có khá nhiều cách đọc, cánh đánh giá khác nhau, thậm chí trái chiều. Người “mang nặng đẻ đau” cuốn sách, tác giả Mai Thảo Yên chia sẻ: “Tôi nhận được nhiều ý kiến đây là một câu chuyện khó đọc, và sau khí đọc được một số bài bình luận sách và cũng như trao đổi với một số độc giả, thì tôi nhận ra có hai vấn đề, thứ nhất cái tựa truyện Người lạ thường được hiểu là ngược với Người quen, hoặc Người lạ là Người dưng. Và cái thứ hai, nội dung chính của câu chuyện thường được hiểu là những khó khăn, sự cô đơn, lạc lõng khi đi du học. Cả hai điều này đều không phải là điều tôi muốn nói tới khi tôi viết Người lạ.
Với tôi đó là một câu chuyện nói về sự tìm kiếm, tìm kiếm sự thấu hiểu bản thân, sự đối thoại với người khác, của một trí thức sống giữa những lằn ranh văn hóa. Bản thân tựa truyện Người lạ là một khái niệm xã hội học, còn chuyện du học chỉ là một phần bối cảnh cho câu chuyện mà thôi, chứ đó không phải là điều mà tôi muốn nói tới, tập trung tới.
Tôi viết Người lạ để dự thi Văn học tuổi hai mươi của NXB Trẻ, vì tôi thấy đây là một đề tài phù hợp với lứa tuổi hai mươi. Bởi vì Người lạ là câu chuyện nói về sự tìm kiếm, sự chia sẻ, tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống, với nhu cầu hiểu hơn về sự ra đi và sự trở về. Và tìm kiếm sự tự thuộc về.Tôi nghĩ đây là những câu hỏi mà nhiều bạn trẻ ở tuổi hai mươi vẫn thường đặt ra cho mình mỗi ngày.”
Mai Thảo Yên - Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh, học đại học tại Phần Lan rồi nối tiếp làm nghiên cứu sinh tại Thụy Điển, Mai Thảo Yên bắt đầu việc viết truyện trên một nền tảng học vấn được trau dồi với những nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, xã hội học. Truyện ngắn đầu tay Một nửa 18, đăng trên báo Áo trắng, được viết sau khi Mai Thảo Yên vừa đi du học được một năm. "Câu chuyện đó là những trăn trở của tuổi 18, của một người chưa bắt đầu trưởng thành và bắt đầu đặt ra những câu hỏi cho chính mình và cho những mối quan hệ xung quanh mình."
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, hướng đi của Mai Thảo Yên và một số cây viết trẻ thời gian qua, là hướng đi khai thác, xác lập rõ bản lai diện mục của con người Việt Nam trong quá trình hội nhập: "Vì vấn đề chúng ta đưa ra một lý thuyết chung chung hòa nhập nhưng không hòa tan thì mơ hồ lắm. Bản chất của người Việt hay cái gì, dở cái gì, giữ lại cái gì trên con đường tiếp thu kiến thức của nhân loại để quay trở về phụng sự đất nước. Đấy là dấu hỏi rất lớn đối với những người trí thức trẻ. Và tôi đánh giá những tác phẩm văn học của các bạn trẻ đề cập đến cái này cao hơn là đi tìm về cái tôi ở trong cái cá thể vụn vặt, quẩn quanh trong đời sống tình yêu đơn lẻ, chật hẹp, kể cả khi anh đề cập đến những mối tình ở nước ngoài. Theo cá nhân tôi điều này cần thiết cho đất nước chúng ta, cho cộng đồng, cho giới trẻ của chúng ta."
Nhiều cây bút được phát hiện từ cuộc thi Văn học tuổi hai mươi của NXB Trẻ, và đã trở thành các tên tuổi trong văn đàn như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyên Hương, Phan Việt, Dương Thụy, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần vv... Mai Thảo Yên với cuốn truyện dài đầu tay "Người lạ", là một trong hai tác giả nhận được đánh giá cao nhất từ hội đồng ban giám khảo trong đợt trao giải 2018 - cùng với Maik Cây.
Trong những phản hồi về tác phẩm, ý kiến nhận xét này của một độc giá có thể nói đã nhận diện được cách viết của Mai Thảo Yên trong truyện dài đầu tay: “Người lạ” là một áng văn chân thành và mộc mạc, giản dị nhưng đủ để giãi bày hết nỗi lòng của những người trẻ chênh vênh trên con đường tìm kiếm giá trị của bản thân mình.” Tác giả Mai Thảo Yên chia sẻ: "Khi viết tôi không chủ động tìm kiếm sự khác biệt hay là điểm chung với các tác giả khác. Tôi chỉ viết điều gì chân thật nhất đối với tôi mà thôi. Hiện tại vấn đề tôi quan tâm chỉ là vấn đề hậu thuộc địa, vấn đề căn tính con người giữa những lằn ranh xã hội và trong bối cảnh toàn cầu hóa."
"Tất nhiên ở Người lạ” cũng có vấn đề thuộc về cấu trúc ngôn ngữ. Tác giả cũng có những hạn chế nhất định trong quá trình rời xa đất nước. Được bồi bổ thêm vốn ngôn ngữ của người Việt thì cái khiếm khuyết này sẽ sớm được khắc phục. Bởi vì tôi hy vọng, tôi mong chờ, và tôi tin trong cái niềm thăm thẳm của tôi rằng Mai Thảo Yên sẽ trở về đất nước phục vụ, cũng giống như tôi đã trở về" - Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói