Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phương Hằng:
Nhiều năm qua, môi trường thiên nhiên đang bị xâm hại nghiêm trọng. Điều này đã được không ít tác phẩm văn chương của các nhà văn Việt Nam cất lên tiếng nói, những lay trở trong sáng tạo nghệ thuật về môi trường sinh thái xung quanh. Mỗi người một vẻ, một phong cách, bằng cách nói trực diện hoặc gián tiếp, thiên nhiên dần hiện lên thông qua những trang văn với rất nhiều xúc cảm và vô cùng sắc nét.
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng - Ảnh: NVCC |
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (An Giang) cho rằng vấn đề ô nhiễm không khí, cùng nạn xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm nay, đã và đang ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh, thì người cầm bút như anh không thể đứng ngoài cuộc: ''Đồng bằng sông Cửu Long nơi tôi sống hiện đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ngày càng ít … Điều này khiến tôi rất đau lòng và thấy cần phải đưa vào văn chương như một lời nhắc nhở, cảnh báo, thể hiện quan điểm cá nhân về môi trường.
Đề tài môi trường không còn là đề tài lạ, hiếm nữa, mà đòi hỏi người cầm bút cần phải có tác phẩm cụ thể. Tuy nhiên hầu hết thiên tai đã xảy ra rồi mới có tác phẩm, chứ văn chương chưa làm được chức năng dự báo. Dù quan tâm tới đề tài nhưng vẫn phải có độ lùi nhất định thì mới có tác phẩm. Thời gian qua tôi đã có các tác phẩm như: Lửa tầm sét; Thủ lĩnh băng Vịt đồng; Cá linh đi học… các tác phẩm này đề cập tới rác thải, tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở lòng sông… Khi đề tài môi trường lồng ghép trong tác phẩm thì có sự lan tỏa nhiều." - Trạng cho biết.
Vẫn biết rằng để có tác phẩm văn học trường hơi về đề tài môi trường đòi hỏi người cầm bút không chỉ có vốn sống, sự hiểu biết mà còn có sự dấn thân, đau với nỗi đau của thiên nhiên, biết chia sẻ với những con người, vạn vật ở những vùng đất chịu nhiều thiên tai bão lũ… để tìm ra chi tiết đắt, ấn tượng lồng ghép vào tác phẩm.
Đây là điều được nhà báo, nhà văn Đỗ Doãn Hoàng, tác giả của các cuốn truyện “Búi thông thơ dại”; “Cánh chim rừng không mỏi”; “Ở lại với ngàn sao” chia sẻ: "Cái làm tôi rung động chính là các câu chuyện thuyết phục về thiên nhiên. Ví dụ bắn chim như thế nào, nuôi sóc ra làm sao, tàn phá rừng như thế nào. Thậm chí nói về tình yêu thiên nhiên thông qua nỗi đau của thiên nhiên, bi kịch của nhân vật khi tàn phá rừng. Văn học viết đề tài này cần có hình tượng, thông qua sự trải nghiệm máu thịt của người cầm bút thì mới có được các chi tiết lấp lánh thay vì hô khẩu hiệu. Đọc tác phẩm và bản thân tôi viết thì tôi hiểu được sự mầu nhiệm của thiên nhiên, văn học đi vào đời sống ám ảnh con người. Đọc Đất rừng phương Nam là cả một trường ngữ nghĩa, chứ không còn là tác phẩm đơn lẻ. Vậy tôi phải viết ở góc độ nào để có góc nhìn riêng. Ví dụ viết về vẻ đẹp của đàn Voi đi trong rừng, nó mặc niệm nhau, đoán trước được mọi điều như thế nào… Thì đấy chính là cách tìm chi tiết trong tác phẩm văn chương."
Cùng chung quan điểm trên, nhà văn Nguyễn Văn Học nhiều năm nay đã tìm cho mình một hướng đi riêng trong quá trình sáng tác, đó là anh đã nhìn trực diện, thấu hiểu nỗi đau của môi trường, của chim trời cá nước, của cỏ cây hoa lá, coi thiên nhiên là một nhân vật trung tâm để bày tỏ chính kiến. Để làm tốt điều này thì người viết rất cần sự dấn thân, nhập cuộc thực sự: "Dấn thân không cần đao to búa lớn, mà chính là sự cộng sinh, sự hiểu biết về chính môi trường chúng ta đang sống. Để con người viết xúc động khi cộng đồng bị thiên tai, dịch bệnh. Thiên nhiên hiện nay đang có những biến chuyển rất tiêu cực. Hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày một đậm đặc, tác động trực tiếp tới con người. Vậy thì Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc các Hội Văn học nghệ thuật địa phương nên có những cuộc thi tiểu thuyết có quy mô lớn về đề tài Môi trường, khuyến khích tác giả có những tưởng tượng dự báo thì sẽ thu hút được nhiều cây bút trẻ tham gia."
Nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Nhiều khu đô thị mọc lên và hậu quả nhãn tiền là hiệu ứng nhà kính, chất thải công nghiệp, sinh hoạt tràn lan. Bên cạnh đó việc lạm dụng khai thác thủy điện, đánh bắt hủy diệt, chặt phá rừng của một bộ phận người vô cảm đang đẩy môi trường chung vào tình trạng mất cân bằng sinh thái. Môi trường tự nhiên không chỉ là tài sản, mà còn là di sản của con người cần phải bảo vệ.
Tranh của họa sĩ Quách Đông Phương minh họa truyện Những người thợ xẻ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: Đông A Gallery |
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học cho rằng tác phẩm văn chương cũng là một trong những công cụ hưu hiệu nhằm cảnh báo, thức tỉnh lương tâm của con người trong vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên: "Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một trong những cây bút viết nhiều về đề tài sinh thái. Sau thì có Nguyễn Ngọc Tư với những tác phẩm phản ánh về đô thị hóa ở Nam bộ. Gần đây thì có một số nhà văn trẻ cũng bắt đầu đề cập tới đề tài Môi trường. Việc các nhà văn lên tiếng cảnh báo, tiên cảm về trách nhiệm của mình trước vấn nạn môi trường sinh thái là điều cần thiết. Văn học gắn liền với các vấn đề của xã hội, của con người, nhưng chúng ta cũng không thể không nhắc tới môi trường thiên nhiên.
Bởi con người tồn tại trong 3 mối quan hệ cơ bản đó là mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, mối quan hệ con người với xã hội và mối quan hệ con người với chính mình. Thế thì mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là quan trọng bởi vì sự tồn tại của nhân loại gắn liền với sự tồn tại của hành tinh. Chính vì thế chúng ta cần phải bảo vệ hành tinh cũng chính là đang bảo vệ chính mình."
Môi trường đang cần hơn nữa trách nhiệm và sự xúc động của người cầm bút. Một tác phẩm văn học sinh thái không chỉ đơn thuần miêu tả tự nhiên hoặc hệ sinh thái, mà quan trọng là phải có đầy đủ tư tưởng sinh thái và góc nhìn sinh thái. Từ góc nhìn này chúng ta có thể lý giải nguyên nhân, nguy cơ sinh thái để tăng cường trách nhiệm với tự nhiên. Bằng sức tưởng tượng và sự nhạy cảm của người cầm bút, hoàn toàn có thể dự báo thảm họa, cảnh báo về các nguy cơ sinh thái xảy đến trong tương lai.
Điều này đã được tiến sĩ Trần Thị Ánh Nguyệt, giảng viên trường Đại học Duy Tân chia sẻ. "Văn học sinh thái còn khá mới mẻ, phải vậy chăng mà sự phản ứng của các nhà văn về đề tài này còn chậm. Một số người viết đồng nhất văn học sinh thái là miêu tả thiên nhiên. Vì thế họ cho rằng văn học sinh thái là có sẵn. Quan niệm đó là sai. Văn học sinh thái ở nước ta xuất hiện muộn, nổi lên khi môi trường bị xuống cấp, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới toàn bộ sự sống trên hành tinh. Dòng văn học này sẽ trú trọng tới trách nhiệm của con người đối với môi sinh, khẩn thiết kêu gọi bảo vệ vạn vật duy trì sự phát triển của sinh thái. Tôi có niềm tin rằng trong tương lai văn học sinh thái sẽ được quan tâm. Văn học sinh thái sẽ tạo nên các nội hàm mới."
Có ý kiến cho rằng văn chương đang có những bước đi cần thiết, thậm chí là mầu nhiệm trong việc thâm nhập vào đề tài môi trường. Bằng việc đi thẳng vào thực tế môi trường, dùng hình tượng nghệ thuật để chuyển tải, xây đắp và nối dài vẻ đẹp của thiên nhiên trong đời sống là điều rất nên được khuyến khích động viên.
Tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdũng - Ảnh: NXB Kim Đồng |
Tác giả, nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn cho rằng đề tài môi trường đang rất cần những cây bút thâm nhập. Rừng và biển bản thân nó đã đẹp và giàu chất thơ, nếu có sự tiếp sức thêm của ngôn ngữ thì môi trường ấy sẽ trở nên lấp lánh, hiền hòa: "Văn chương viết về môi trường ở nước ta còn thiếu và đang rất cần. Tôi viết “Trở về nơi hoang dã” hay “Chang hoang da” thì có nhiều người hỏi tôi là muốn tìm đọc thêm các tác phẩm về đề tài này, nhưng ở Việt Nam thì rất ít. Tôi hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều nhà văn ở nước ta sáng tác về đề tài này. Các nghệ sĩ khác như là dùng âm nhạc, ngôn ngữ tạo hình, bằng các thước phim có thể lan tỏa tình yêu thiên nhiên thông qua nghệ thuật. Bởi bản thân rừng, biển, núi non đã đẹp và giàu chất thơ. Chỉ cần có thêm tiếng nói, ngôn ngữ để những điều đó trở lên lấp lánh tỏa sáng."
Trước những vấn đề về môi trường nhiều thách thức hiện nay, văn chương đang từng bước thực hiện chức năng phản ánh và dự cảm. Vẻ đẹp của ngôn từ sẽ đánh động ý thức nhằm thay đổi hành vi và nhận thức của con người trong việc giữ gìn màu xanh thiên nhiên.