Nghe âm thanh bài tại đây:
Như những tác phẩm kinh điển nổi tiếng khác của Sophocles, dù đã 2500 năm kể từ khi ra đời, vở diễn Antigone với nhiều lớp lang, gợi nhiều suy tư mang đến nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những người làm nghệ thuật, liên tục được chuyển thể, làm mới trên sân khấu kịch, trong phim ảnh thế giới. cũng như năm 2017 đã từng được dàn dựng tại Việt Nam. Và một dự án dài hơi với vở diễn Antigone được Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện, hợp tác cùng các đạo diễn trong Nam ngoài Bắc đã làm sống lại trên sàn diễn những hình tượng, những cách nhìn mới về nàng Antigone huyền thoại.
Cảnh trong vở diễn Antigone của đạo diễn Bùi Như Lai. |
“Khi đọc đi đọc lại tác phẩm này rất nhiều lần có mấy vấn đề đọng trong suy nghĩ của tôi: thứ nhất là vấn đề quyền lực. Quyền lực nếu như dùng sai thì có thể sẽ dẫn đến bạo lực. Thứ hai là tình yêu. Nếu yêu đúng, yêu đủ thì tình yêu sẽ rất đẹp. Nhưng yêu đến mức độ cực đoan thì có thể sẽ dẫn đến bi kịch. Câu chuyện thứ ba thật sự là tôi băn khoăn nhất là chúng ta đặt Angtigone ở đâu trong đời sống đương đại." - Đạo diễn Bùi Như Lai, Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ về vở diễn Antigone anh dàn dựng.
Mỗi đạo diễn trước vở kịch kinh điển này đều kinh ngạc khi khám phá chiều sâu của nó. Và một trong những lý do mà Viện Goethe Hà Nội thực hiện dự án bởi " câu chuyện về nàng Antigone vẫn nhiều ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh cuộc sống đương đại hôm nay. Vở kịch nói về lòng trung thành với tổ quốc nhưng đồng thời cũng là sự chung thủy đối với cả gia đình, nói về phẩm giá của con người, sự đoàn kết của xã hội, về dòng chảy lịch sử và tầm quan trọng của cá nhân trong xã hội."
Ông Wilfried Eckstein Viện trưởng Viện Goethe cho biết: Tại Việt Nam, công chúng có thể thấy những giá trị quen thuộc của "Antigone" trong văn học Việt, như khi so sánh "Antigone" với "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, những điểm tương đồng về số phận của nhân vật Antigone và Kiều, hoặc lớn hơn là số phận tương đồng của những người phụ nữ trong xã hội cũ:
“Trong suốt 2500 năm nay từ lúc vở kịch này ra đời, những chất liệu từ vở kịch này đã gợi cảm hứng cho thế giới sáng tạo và cũng như thách thức chúng ta có những phản tư, suy ngẫm về bản chất của con người cũng như vị trí của chúng ta trong xã hội. Bây giờ chúng ta chuẩn bị những vở diễn Antigone để đưa đến khán giả. Câu hỏi là làm thế nào để biến nó trở thành thứ thiết thân, một thứ vẫn còn có sự liên quan đối với cuộc sống ngày hôm nay. Đây là một vở kịch có rất nhiều lớp lang nên cũng mở đường cho rất nhiều cách tiếp cận khả dĩ. Lý do tại sao chúng tôi lại gọi đây là một Mùa diễn Antigone vì nó giống như một màn trưng bày, một màn diễu hành tất cả những sự lựa chọn về hình ảnh, về tưởng tượng, về cách diễn dịch và cũng như về những đối thoại mà mình có thể mở ra với công chúng.” - Ông Wilfried Eckstein nói.
Các nghệ sĩ trong buổi họp báo về Dự án sân khấu Antigone. |
Dự án sân khấu này kéo dài từ cuối năm 2021 đến 2022 cả trên sân khấu lẫn trực tuyến thông qua các vở diễn và hội thảo, như những góc nhìn đa chiều, những cách tiếp cận nghệ thuật khác nhau.
Đạo diễn Nguyễn Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, sau thành công của việc dựng các trích đoạn Kiều, Nhà hát có dự kiến tiếp tục dàn dựng cùng đạo diễn Amelie của Đức dựng vở Antigone nhưng kế hoạch chưa thực hiện được do dịch bệnh.
Trong cương vị đồng hành tổ chức dự án, Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Goethe đã có những bước đi tích cực: “Chúng tôi đã có một quá trình, có các workshop để chúng tôi chia sẻ những hiểu biết cũng như là nhìn nhận về vở antigone ở nhiều nơi trên thế giới, mà Viện Goethe đứng ra tập hợp chia sẻ kinh nghiệm với các đạo diễn và các diễn giả.”
Hà Thúy Hằng vừa là người soạn nhạc cho vở diễn của mình vừa là đạo diễn tác phẩm. Chị dàn dựng một Antigone khác thông qua những ngôn ngữ ước lệ, biểu hiện truyền thống của Việt Nam: “Tác phẩm của chúng tôi sẽ đưa ra những suy tư, những giả định xoay quanh cái chết của Antigone và những nhân vật nữ chính trong tác phẩm họ sẽ kể những câu chuyện, những thân phận trong một không gian giả định, mà họ có thể tự do, họ có thể lạc lõng trong không gian giả định đó và phi tuyến tính.”
Vở diễn Antigone của Trần Minh Hải trong nhóm gồm ba đạo diễn nữ trẻ, mỗi người đều đã có hành trình riêng của mình, và gặp nhau ở Antigone: “Với một cách thức chân thật nhất, bọn em lựa chọn đồng hành cùng với Angtigone trên định mệnh, một định mệnh được biết trước của cô ấy với tư cách là một người phụ nữ. Càng đi sâu cùng đồng hành với cô ấy thì bọn em lại tiếp tục trả lời một câu hỏi: Liệu có phải khi Antigone có những tương tác đối với các nhân vật khác - những con người xung quanh cô ấy thì đó cũng chính là phản chiếu của nội tâm Antigone, tức là tương tác với thế giới bên ngoài, những xung đột với người khác cũng chính là sự xung đột bên trong giữa những góc cạnh mà có thể cô ấy cũng chưa bao giờ biết được là mình có những góc cạnh ấy.
Hành trình này giống như là cuộc hành trình để trả lời câu hỏi của chính các đạo diễn về Antigone hay là thậm chí là về chính mình. Nó không chỉ là sự phản chiếu của nội tâm đối với bên ngoài của Antigone mà có lẽ còn là sự phản chiếu của tất cả những người tham gia vào vở diễn đó đối với các nhân vật. Một câu hỏi luôn đặt ra ngay từ đầu và kéo dài xuyên suốt là, nếu mình biết được một định mệnh dành cho mình thì ta có thể sống và đối diện với định mệnh đó như thế nào.” Trần Minh Hải nói.
Đạo diễn Trần Minh Hải (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về dự án của nhóm mình. |
“Angtigone” của các đạo diễn trẻ này đến với khán giả qua hình thức vở diễn múa đương đại, như Trần Minh Hải cho biết: “Những người đạo diễn của tác phẩm đã thực hành hoạt động múa đương đại đủ lâu để có thể nhận ra rằng là thế giới cụ thể của hình thể là một địa hạt rất khác so với tâm trí hoặc lời nói. Nó nguyên bản, rất là bản năng, rất chân thật. Và có lẽ sự kết hợp giữa sự bản năng đó với thế giới nội tâm người phụ nữ chịu rất nhiều áp lực của thế giới nơi đàn ông cầm quyền, sẽ là sự kết hợp thú vị.
Đạo diễn sân khấu Lê An, của sân khấu Saigon Theatreland chia sẻ, bắt đầu từ những câu hỏi như có điểm chung nào gữa thế giới của Antigone - một nhân vật Hy Lạp cổ đại và những cô gái, những khán giả trẻ Việt Nam thời hiện đại này vv.., chị đã đi tìm những cách diễn giải khác nhau về tác phẩm Antigone để làm sao tiếp cận được với khán giả hôm nay. Lựa chọn của chị là dựng kịch một màn có tên “Bức chân dung” được chuyển từ Hồi 1 của vở Antigone.
Và vở diễn cũng có một cách dàn dựng hết sức độc đáo: “Đây sẽ là một phiên bản Việt hóa và khai thác các chất liệu từ lịch sử văn hóa nghệ thuật của bối cảnh Sài Gòn thập niên 70. Một câu hỏi đặt ra với chúng tôi là các khán giả trẻ hiện nay một khoảng cách 50 năm như vậy thì liệu có gây được sự tò mò, thích thú lẫn một chút cảm giác gần gũi nào đó với các bạn khán giả trẻ hay không? Đó là câu chuyện về một cô gái Sài Gòn ngoài 20 tuổi và cô phải đứng trước hai mối xung đột lớn: thứ nhất là mối xung đột bên ngoài với chính người em gái và cha mình trong sự lựa chọn mục tiêu và giá trị cuộc sống; xung đột thứ hai là xung đột nội tâm khi cô phải bước qua những tổn thương và tiếp tục hành trình xây dựng nhận thức và niềm tin của bản thân.
Tác phẩm Bức chân dung này sẽ tiếp tục là một dự án kịch nói và đối thoại cộng đồng của chúng tôi. Vở kịch sẽ không chỉ là một vở diễn mà sẽ mở ra các hoạt động trải nghiệm và đối thoại dành cho quý vị khán giả với các nghệ sĩ và các nhà làm chuyên môn, các nhà tâm lý và các nhà hoạt động xã hội, về chủ đề đối diện và vượt qua những thách thức trên hành trình đi tìm bản dạng cá nhân dành cho khán giả trẻ.
Trong tình hình dịch hiện nay Saigon Theatre quyết định sẽ sử dụng toàn bộ nền tảng online để đảm bảo tác phẩm cũng như các hoạt động đối thoại cộng đồng sau đó tiếp cận được đại đa số khán giả. Và thời gian trình chiếu vở kịch cũng như webmina sau đó chúng tôi bắt đầu khởi động từ bây giờ và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng 2/2022. “ – Đạo diễn Lê An nói.
Đạo diễn Hà Nguyên Long cho biết: Vở diễn Antigone của anh là một phần dự án Năm dài trong kịch của XPlusX Studio, được thực hiện với mong muốn đem nghệ thuật kịch đến gần hơn với các lớp khán giả tương lai của Việt Nam, cũng được tập dượt từ 1 năm nay, trước khi có dự án của Viện Goethe.
Trong vở Antigone của đạo diễn Trần Lực , những lời thoại kể chuyện gián tiếp được biến thành câu chuyện xảy ra trên sân khấu để khán giả trực tiếp nhìn thấy |
Điều độc đáo mà Hà Nguyên Long muốn đưa tới cho khán giả là gì? “Dự án Antigone lần này chúng em đặt cho nó một cái tên nữa là Âm mù. Cái tên này thể hiện đúng cái cảm quan của chúng tôi về tác phẩm này với những gì mà chúng tôi đã trải nghiệm và mong muốn khán giả sẽ cùng trải nghiệm Antigone - tức là một cái rất khó định nghĩa, rất khó để mà dịch sang ngôn ngữ khác hay miêu tả về nó một cách gãy gọn mà tất cả chỉ như là một cảm giác. Khi mà Âm mà đây còn rất nhiều nghĩa và Mù cũng có rất nhiều nghĩa. Và khi Âm mù đứng cạnh nhau thì mỗi một nghĩa của nó bắt cặp với nhau lại thành một cái cảm giác mới, cảm giác đó có sự kết nối nào đó ít nhiều với các nhân vật mà Sophoclé viết ra.”
Với đạo diễn Bùi Như Lai, với những tác phẩm luôn tỏa năng lượng nóng hừng hực không khí sân khấu, thì với vở Antigone có một yếu tố trang trí thường được sử dụng như những ẩn ý, nhữnglớp nghĩa sau đó trong các vở diễn khác của anh, được nhắc lại, là những cây tre, những chiếc thang: “Cũng có biểu tượng riêng của thang, đó là về quyền lực. Có những nhân vật muốn đi lên vị trí quyền lực đấy, họ không đi được bình thường mà sẽ phải bò. Bên cạnh đấy cái thang cũng tạo ra những khuôn mẫu, những cái khung để cho các nhân vật khác nhau tồn tại.
Tôi lấy ví dụ như Ismene trong vở diễn của tôi gần như không đi ra khỏi các hình vuông của những cái thang. Cô ta trú ẩn trong đấy, an toàn trong đấy. Và đấy cũng là một cách sống, khiến cho cô ấy tránh được bạo lực, giữ được mạng sống, giữ được tất cả những thứ thuộc về cô ấy. Nhưng cái kết không biết là nhân vật có giữ được tất cả những thứ đấy không, thì điều đó cũng là một phần để cho khán giả phải suy ngẫm. Vở diễn của chúng tôi thuộc về khán giả và khán giả sẽ định đoạt số phận, định đoạt tinh thần cũng như tình yêu của Antigone.”
Đạo diễn Trần Lực tại buổi họp báo. |
Còn Antigone của đạo diễn Trần Lực có điều gì sẽ thu hút khán giả? Trần Lực khẳng định: “Nếu ai từng đọc kịch bản Antigon rồi sẽ thấy các tuyến nhân vật hơi phức tạp. Tôi hướng tới khán giả bây giờ, trong thời đại công nghệ thông tin nhiều thứ lắm nên xem thì họ phải hiểu. Mình muốn nói gì thì phải kể một câu chuyện sao cho ngắn gọn nhưng súc tích và đầy đủ để bật ra được tinh thần của vở diễn. Ở đây tôi xoáy vào ba nhân vật chính Ismene, Angtigone và Cleon. Đặc biệt là nhân vật Angtigone.
Trong kịch bản tất cả những công việc của cô ấy được kể qua lời thoại: của người lính gác bắt được cô ấy hoặc là người lính gác hiện trường thấy sự việc xảy ra. Nhưng tôi biến tất cả những lời thoại, tất cả câu chuyện ấy xảy ra ở trên sân khấu. Bởi vì tôi muốn khán giả nhìn thấy Angtigone của tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, mạnh mẽ như Sophocles mong muốn.”
Dự kiến, vở "Antigone" do đạo diễn Trần Lực dàn dựng sẽ ra mắt khán giả sớm nhất, vào tối 6 và 14/11 tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Cũng tại nhà hát này, "Antigone" do Bùi Như Lai đạo diễn ra mắt khán giả vào tối 7 và 13/11. "Antigone" do Hà Nguyên Long đạo diễn có hai suất diễn vào tối 20/11 và 4/12 tại Viện Goethe Hà Nội. "Antigone" do Lê An đạo diễn phát trực tuyến. Tác phẩm do Trần Minh Hải dàn dựng dự kiến ra mắt công chúng vào năm 2022.