Ngắm nước xanh non biếc cùng Lê Giang

(VOV5) - "Nước xanh non biếc" đặt ra những khoảng trống và độ lùi nhất định khiến công chúng yêu nghệ thuật được thoả sức vùng vẫy trong dòng suy tưởng của chính mình.

Mới đây, quán quân của chương trình nghệ sỹ lưu trú “Tương hỗ” Villa Saigon 2019, nghệ sĩ Lê Giang đã thực hiện triển lãm “Nước xanh non biếc”. Với cách thực hành độc đáo, triển lãm này đem đến nhiều cảm xúc cho công chúng yêu nghệ thuật trong những ngày đầu năm mới này.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ngắm nước xanh non biếc cùng Lê Giang - ảnh 1 Triển lãm "Nước xanh non biếc" diễn ra từ 10/1 đến 29/2 tại Viện Pháp Hà Nội

Triển lãm “Nước xanh non biếc” của nghệ sĩ thị giác Lê Giang có lẽ không dành cho những ai đang vội vã. Đến với những bức tranh màu trắng khổ nhỏ cũng treo trên nền tường trắng, người xem cần dừng lại lâu hơn và dành nhiều tâm sức hơn để theo đuổi những đường nét dòng suy nghĩ của Lê Giang về vùng đất Đông Dương. “Đông Dương đã từng được người nước ngoài biết đến như một chốn rừng rậm bí hiểm và ẩm thấp, nơi trú ngụ của những sinh vật hung dữ và những người bản địa man dại, có khi lại được biết đến như một vùng đất phong cảnh hữu tình của sự phục tùng dịu dàng”. Trong triển lãm này Lê Giang lại tiếp tục đưa người xem đến với nơi chốn vẫn luôn tồn tại trong ký ức nhiều người hôm nay.

Ngắm nước xanh non biếc cùng Lê Giang - ảnh 2Nghệ sĩ Lê Giang tại khai mạc triển lãm - Ảnh do nhân vật cung cấp 

Trở về từ chương trình “Tương hỗ” Villa Saigon do Viện Pháp tài trợ cho nghệ sĩ trẻ sang Paris nghiên cứu về văn hoá nghệ thuật, Lê Giang lại tiếp tục dự án còn đang dang dở. Cô kể lại, khi đến thăm Paris và một nơi có tên Vùng nhiệt đới – nơi có những dấu tích còn lại của triển lãm thuộc địa 1907 đến 1931, Lê Giang đã nảy ra ý tưởng thực hiện triển lãm này.

Các tác phẩm được thực hiện dựa trên tư liệu ảnh của các sự kiện diễn ra tại công trình kiến trúc Đình Thủ Dầu Một tại Vườn nông học Nhiệt đới Paris. Điểm đặc biệt trong thực hành trong “Nước xanh non biếc” của Lê Giang là kỹ thuật in dập nổi (paper embossing).

Nghệ sĩ Lê Giang cho biết: “Kĩ thuật này loại hết những chi tiết, màu sắc mà chỉ để lại những gì căn bản nhất của một hình ảnh. Nó giống như cách các ký ức hằn vào đầu chúng ta. Khi chúng ta nhớ về ký ức là những gì gợi chung nhất và căn bản nhất. Đó là lý do vì sao tôi sử dụng kỹ thuật này để khắc họa, thể hiện lại những bức ảnh tư liệu về những sự kiện trong lịch sử”.

Ngắm nước xanh non biếc cùng Lê Giang - ảnh 3 Nghệ sĩ Lê Giang sử dụng máy in tại xưởng Artelier Collectivere. - Ảnh do nhân vật cung cấp

Kĩ thuật in dập nổi trước đây đã từng biết đến qua bàn tay tài hoa của nghệ sĩ Lê Bá Đảng. Dự án nghiên cứu về nghệ sĩ Lê Bá Đảng và con đường nghệ thuật của ông tại Paris đã khiến Lê Giang say mê với phương thức thực hành này. Trong quá trình lưu trú tại Pháp, nữ nghệ sĩ người Pháp Sophie Dumont đã hướng dẫn Lê Giang những bước ban đầu về kĩ thuật in dập nổi, từ đó Lê Giang có thể tự mình tiếp tục trau dồi và hoàn thiện.

Theo Lê Giang, kĩ thuật in dập nổi trên giấy là một cách thức thực hành tinh tế, uyển chuyển nhất những sáng tạo của cô: “Tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết cần đến với công chúng một cách thuần túy. Cách thức thực hành này sẽ gợi mở cho công chúng nhiều câu hỏi. Khi nhìn vào bức tranh này họ sẽ đặt câu hỏi: Đây là kỹ thuật gì, đây là bức ảnh gì? Vì sao nghệ sĩ lại sử dụng kỹ thuật này. Đó là cách mà tôi muốn, đó là khơi gợi những câu hỏi”.

Ngắm nước xanh non biếc cùng Lê Giang - ảnh 4

Năm 1906, Bắc Kỳ - thủ phủ của Đông Dương được người Pháp biết đến nhiều qua bài hát nổi tiếng “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn”. Thời bấy giờ, bài hát một thời được nhiều ca sĩ danh tiếng trình diễn trên sân khấu Paris, Marseille và nhiều thành phố lớn.

Tại “Nước xanh non biếc”, bài hát “Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhắn” được đem cho công chúng yêu nghệ thuật theo cách vô cùng tinh tế. Bước qua nhiều lớp rèm trắng, người xem được dẫn tới căn phòng lưu giữ âm thanh như những lời thì thầm trong trẻo và ngắm nhìn bản in dập nổi phần nhạc phổ. Nghệ sĩ thị giác Linh Chi chia sẻ: “Mình chưa bao giờ biết bài hát này mặc dù đây là bài hát khá phổ biến của đại chúng Pháp. Và được hát bởi một ca sĩ mình đã nghe nhiều trước đây: Josephine Baker. Chị tìm được bài hát này và giời thiệu cho công chúng là một phát hiện rất sâu sắc. Phần chị làm mang đến chất thơ, ý nhị vừa phải mà không khiêu khích quá nhiều mà để người xem tự phản ứng với chủ đề. Đây vẫn là tuyến tính xuyên suốt trong các tác phẩm từ trước đến nay của Giang”.

Ngắm nước xanh non biếc cùng Lê Giang - ảnh 5

“Nước xanh non biếc” không bắt buộc người xem đối mặt trực diện với tác phẩm, mà luôn đặt ra những khoảng trống và độ lùi nhất định khiến công chúng yêu nghệ thuật được thoả sức vùng vẫy trong dòng suy tưởng của chính mình. Những hoài niệm về Đông Dương được tái hiện và làm mờ đi chi tiết dường như lại là sự kết nối hiệu quả giữa quá khứ và cuộc sống hiện tại.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác