(VOV5) - Tết năm nay, Đặng Ngọc Long có một món quà đặc biệt tặng cho những người yêu nhạc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những giai điệu mà chúng ta đang nghe đây, rất đặc trưng trong sáng tác của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long – giáo sư âm nhạc nổi tiếng người Việt ở Châu Âu, một tay guitar cự phách. Đầu xuân mới xông nhà nghệ sĩ Đặng Ngọc Long tại Berlin, chúng tôi hỏi anh, anh đón Tết như thế nào?
“Mỗi năm, người Việt chúng tôi ở nước ngoài thường đón 2 cái TẾT: đó là một cái là Tết Tây, và một cái Tết Ta. Các con cháu của chúng tôi ở thế hệ thứ hai thứ ba thì chúng nó thích đón tết Tây hơn, còn thế hệ chúng tôi thì có cảm giác thích đón Tết Ta hơn. Bao năm xa quê hương, xa gia đình, sống nơi đất khách quê người, chúng tôi vẫn có một góc bàn thờ, để cúng ông bà tổ tiên.
Mỗi khi Tết đến chúng tôi đều thắp hương, bày bánh chưng, bánh giò, và hoa quả lên bàn thờ để cúng. Mỗi dịp Tết đến là chúng tôi có dip quây quần ngồi bên nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa, những năm tháng tuổi thơ. Và những lúc đó thì rất nhớ về quê hương, nhớ về gia đình. Thứ 2 là để cho các con cháu thế hệ sau, không quên được những phong tục tập quán của người Việt, dù các cháu sinh ra ở nơi đây, mang quốc tich Đức, nhưng vẫn không quên cội nguồn tổ tiên của mình là con cháu người Việt Nam.”- Đặng Ngọc Long cho biết.
Nghệ sĩ guitar Đặng Ngọc Long trong phòng thu. |
Nhưng, với những người nghệ sĩ như anh, niềm vui với Tết thường có những gì đặc biệt? Nghệ sĩ “đàn rồng” bật mí, anh luôn đón tết Việt bằng những ý tưởng sáng tạo mới, bằng niềm vui của sự sáng tạo. Và với Tết năm nay, thì anh có một món quà đặc biệt tặng cho những người yêu nhạc: “Đối với tôi mỗi khi tết đến xuân về, ngoài những cảm xúc được thưởng thức những hương vị tết của quê nhà, là một nhạc sĩ, tôi thường vui mừng khi mà hoàn thành được một tác phẩm âm nhạc nào đó, là cái dịp để ăn mừng thành quả lao động, mang một ý nghĩ sâu sắc là tạo ra được một cái gì đó cho đời, thì làm cho tôi rất sung sướng và hạnh phúc.
Năm nay, tôi chuẩn bị đón đứa con tinh thần mà tôi đã ròng rã, sau ba năm trời tạo ra nó. Đó là một tác phẩm Sonata viết cho đàn Guitar cổ điển, dựa theo nội dung của vở bi kịch nổi tiếng có tên là Faust của đại thi hào người Đức Johann Wolfgang Goethe. Tôi đã dựa vào cốt truyện nội dung của vở kịch của ông để sáng tác cho đàn Guitar độc tấu. Tác phẩm gồm 3 chương: chương 1 : Faust, Chương 2: Gretchen, và chương 3 là Mephisto, độ dài tổng cộng của cả 3 chương khoảng 25 phút.”
Bìa CD mới của GS âm nhạc Đặng Ngọc Long sắp ra mắt. |
Pha trộn nét nhạc châu Á là đặc tính riêng, có chủ đích của nhạc sĩ Đặng Ngọc Long. Điều này cũng đặc biệt thể hiện trong bản xô-nát Faust. Trong tác phẩm, có cả cuộc đối thoại gay gắt giữa Quỷ, Faust và Gretchen, đặc biệt có một điệu nhảy của Quỷ cùng với Faust.
Về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này, Đặng Ngọc Long chia sẻ: “Thật là một giai thoại đáng ghi lại nhất trong cuộc đời tôi, đây là tác phẩm tôi viết lâu nhất, dài nhất và khó khăn nhất từ trước đến nay. Hơn nữa trong lúc đang lúc viết chương cuối cùng (Mephisto - tức là chương con Quỷ) thì bị Covid ập tới bắt phải đi nằm viện, rồi sau khi ra viên các bác sĩ căn dặn phải giữ gìn sức khỏe, không được làm việc quá sức... nên việc tư duy, sáng tạo của tôi bị gò bó hơn, hạn chế hơn. Tôi nói vui với bạn bè rằng:“con Quỷ” (Mephisto) trong tác phẩm này này thật là quỷ dữ, dữ trong văn học, lây sang âm nhạc rồi dữ thật luôn cả ra ngoài đời, nó quật cho tôi “lên bờ xuống ruộng” (cười) Nhưng may mắn thay đến hôm nay thì tôi đã hoàn thành tác phẩm. Vì vậy, năm nay tôi rất vui để đón một cái tết thật thật hạnh phúc...”
Vâng, và những điều gì khán thính giả không nên bỏ qua từ món quà đầu Xuân năm mới mà Giáo sư Đặng Ngọc Long đã dành tặng chúng ta? Quý vị hãy nghe dịch giả, Tiến sĩ văn học Trương Hồng Quang, người bạn đầu tiên nghe Faust Sonata, chia sẻ: “Trên đường đi làm trên xe ô tô lần đầu tiên tôi được nghe toàn bộ tác phẩm Faust Sonata của giáo sư Đặng Ngọc Long mà anh vừa mới hoàn thành trong những ngày này.
Là người may mắn được tác giả chia sẻ những ý tưởng của mình từ lúc khởi đầu quá trình sáng tạo cách đây đã từ 3 năm trước, tôi rất vui mừng và rất xúc động về sự kiện âm nhạc này đúng Tết Nguyên đán Nhâm dần năm 2022.
Chúng ta đều biết vở bi kịch của thi hào Goethe là tập đại thành của nền văn học Đức, một tượng đài văn chương độc nhất vô nhị, có vị trí tương tự như Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du trong nền văn học dân tộc Việt Nam. Tác phẩm này cũng là một nguồn cảm hứng vô tận cho những tên tuổi âm nhạc lẫy lừng nhất ở Đức và châu Âu.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo tôi được biết chưa có một tác phẩm độc tấu nào về chủ đề Faust và chắc chắn là chưa có một tác phẩm độc tấu nào viết cho đàn ghi ta cổ điển dựa trên tác phẩm này. Faust Sonata như vậy sẽ là một cột mốc trong dòng lịch sử âm nhạc ở Đức và châu Âu về đề tài Faust.”