Ngược chiều vun vút - hài hước với góc nhìn lạ

Ngược chiều vun vút là cuốn sách mới của Joe Ruelle – vốn được biết đến rộng rãi với biệt danh Mr. Dâu Tây, do NXB Hội nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành. Anh chàng Canada nói tiếng Việt rất hay này luôn là cái tên làm mưa làm gió trong cộng đồng mạng, đồng thời là gương mặt quen thuộc trên truyền hình. Cuốn sách đầu tay của anh phát hành năm 2007 đã nhanh chóng làm chủ các bảng xếp hạng sách tiêu thụ ngay trong tuần đầu tiên và giữ ngôi vị đó suốt một thời gian dài. Cuốn sách thứ hai Ngược chiều vun vút, cũng tỏ rõ sức hút không kém, ngay khi Joe đăng tin trên trang Facebook cá nhân, đã có hơn 2000 lượt người đăng ký mua sách.

 Ngược chiều vun vút - hài hước với góc nhìn lạ - ảnh 1

Joe từng nói anh rất thích cảm giác ngồi một mình ở các quán cóc vỉa hè xem cuộc sống - cuộc sống thật sự của người Việt Nam - chạy qua trước mắt như một đoạn phim. “Có lẽ với một người như tôi, Việt Nam là nơi lý tưởng: ở đâu cũng có người xung quanh, có câu chuyện để ‘nghe trộm’, có cảnh riêng tư để nhìn trộm, một mình nhưng không bao giờ cô đơn.” Điều đó phản ánh vào chính những bài viết của anh - ở đây, góc nhìn về con người, phong cảnh, các mối quan hệ xã hội, gia đình Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội được bộc lộ rõ nhất. Ngược chiều vun vút là một tập hợp gần 70 bài viết như thế.

 

Giải thích về nhan đề cuốn sách, ngay “Lời nói đầu”, Joe viết: Tôi chọn cái tên Ngược chiều vun vút vì hai lý do, phụ và chính. Lý do phụ là trong khi mỗi năm có hàng nghìn người Việt sang các nước phương Tây đi học, đi làm, lập gia đình, định cư, cộng với hàng trăm nghìn người không đi khỏi Việt Nam nhưng cuối tuần nào cũng xem phim Hollywood, đọc sách dịch từ tiếng Anh – thì cũng có một số người Tây tạm biệt quê hương để đến với Việt Nam. Vì đó là hướng đi bất ngờ nên chúng tôi phải phản xạ nhanh, cố gắng giữ tốc độ mà không gây tai nạn văn hóa. Còn lý do chính là từ “vun vút” nghe hay.                      

 

Đa số bài viết trong sách “lấy vốn” từ những bài đã đăng trên Dân Trí, VnExpress, tạp chí Đẹp, blog cá nhân của Joe, nhưng hầu như đều được viết mới lại. Một số bài được tác giả chỉnh sửa ngữ pháp cho phù hợp với trình độ ngôn ngữ đã phát triển hơn; một số được xây dựng lại từ đầu. Các bài viết được sắp xếp theo một cấu trúc rất lạ, rất “Dâu Tây”: không phải theo ngày tháng, không theo chủ đề, mà theo Cảm Giác: nào là Bực một tí, Vui một tẹo, Hơi hơi tiếc, Rất tò mò, Muốn giãi bày.

 

Hầu hết các bài viết trong này vẫn theo phong cách đã làm nên “thương hiệu Mr. Dâu Tây”: hài hước và thể hiện một cái nhìn rất lạ đối với những điều tưởng chừng không có gì đặc biệt. Một trong những yếu tố khiến cho những bài viết của anh luôn được quan tâm sốt sắng đến như vậy là bởi một lẽ thường: ai cũng tò mò muốn biết một anh chàng Tây viết chuyện của người Việt bằng tiếng Việt như thế nào, họ nghĩ gì trước phong tục tập quán của ta. Đọc Joe, mới biết cũng có nhiều người Tây sợ cái Tết ở Việt Nam. “Bản thân tôi cũng hơi sợ, nghe bài Tết Tết Tết Đến Rồi có cảm giác muốn chạy chạy chạy chạy xa rồi.” Ấy là nỗi sợ phải ăn quá nhiều món “lạ quá, mỡ lắm” - thịt đông, gà luộc, bánh chưng; sợ làm sai - nhỡ chẳng may có gì thất thố, gia chủ lại trách mình làm họ “dông” cả năm; và nhiều cái sợ có lẽ chỉ một người nước ngoài mới hiểu…

Gần 70 bài viết phần nào có thể cho thấy mức độ mở rộng vốn tiếng Việt của Joe. Anh có khả năng sử dụng tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn đến mức khiến người ta phải bật cười thích thú. Không những thế, Ngược chiều vun vút còn cho thấy cái phông văn hóa đang ngày một đậm nét ở một người Canada sống ngót chục năm ở Việt Nam. Một anh chàng Tây có thể hiểu được cái hồn trong tác phẩm Nam Cao để biết bực dọc khi chứng kiến tên truyện “Chí Phèo” bị dịch sang tiếng Anh thành “The Grumpy Alcoholic” - “Kẻ khó tính nghiện rượu”, thật cũng khiến người ta ít nhiều thán phục.

 

Nhưng sức hấp dẫn của cuốn sách không dừng lại ở đó. Bên cạnh yếu tố lạ và hài, những bài viết của Joe còn để lại nhiều dư vị bất ngờ. Có thể bắt gặp trong câu chuyện của anh những vấn đề mà đôi khi vì thói quen, hay vì vô tâm nên người ta không màng giải thích hay tìm hiểu cho tỏ tường. Ví như câu chuyện về GS. Ngô Bảo Châu và giải thưởng Fields danh giá. Ai cũng biết ông chứng minh được Bổ đề cơ bản, ai cũng ngợi ca ông, song chẳng ai chịu nói xem “Bổ đề cơ bản” là gì và vì sao phải chứng minh nó. Anh chàng người Canada khiến người ta ngạc nhiên khi làm điều này một cách rất thông minh, bằng ngôn từ dí dỏm đầy màu sắc “trà đá, sinh viên”.

 

Dí dỏm, hài hước và độc đáo là thế, nhưng phải nói là cách viết của Joe bây giờ cũng đã khác trước nhiều lắm. Đọc cuốn sách này, có thể nhìn ra, nụ cười của anh nhiều khi bị phủ bóng bởi một cái nhíu mày băn khoăn. Ở thế đứng của một người Canada, anh bày tỏ “nỗi kiêu gượng của tiếng Anh mẹ đẻ” khi chứng kiến một bộ phận giới trẻ Việt giờ chuộng lấy tên nửa Anh nửa Việt cho “sành điệu”: Luân Louis, Nick, Jimmie, hay nói chuyện kiểu Tây-Ta lẫn lộn: “Em làm bên finance”, “Lương của em sẽ performance based”. Anh chàng Joe vẽ ra hình dung một ngày, Việt Nam trở thành trung tâm thế giới phim ảnh, diễn viên Tây bay sang hàng loạt, và để thơm lây, họ đổi tên Tây thành nửa Tây nửa Việt. Tom Cruise sẽ thành Tom Lạc Đà, Brad Pitt thành Brad Cà Rốt!

 

Đạo diễn Lê Hoàng đã phải dành cho Joe lời tán tụng: “Một chàng Tây viết hay hơn ta”. Tất nhiên, tính đúng sai trong cách nhìn, cách nghĩ của tác giả thì khoan hãy bàn đến. Chính anh cũng thừa nhận trong số này có nhiều bài mâu thuẫn với nhau; quan điểm phủ nhận quan điểm, ý dập ý. Cũng có bài thể hiện sự mâu thuẫn trong quan điểm của chính anh ở hai thời điểm - quá khứ và hiện tại. Thay vì cố chỉnh sửa, tác giả để nguyên, bởi theo anh, “Xét cho cùng, đây là tác phẩm của một con người, và con người dù ở đâu cũng mâu thuẫn không chỉnh sửa được.”

 

So với cuốn sách đầu tay Tớ là Dâu, tuyển tập này đã kết tinh những trải nghiệm sâu sắc hơn của Joe ở Việt Nam, nó đề cập đến những vấn đề nghiêm túc hơn, và là một phiên bản mới của tác giả. Chính vì lẽ đó, Ngược chiều vun vút ra đời với tham vọng trình làng một “Joe bây giờ khác nhiều với Joe cách đây mấy năm”, trầm tư và ít “ngây thơ” hơn rất nhiều.

                                                                                                                            Nhã Nam

Phản hồi

Các tin/bài khác