(VOV5) - Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai, hiện đang nghiên cứu tại trường đại học Lancaster trả lời phỏng vấn về những điểm nổi bật của những tác phẩm văn học của những nhà văn người Mỹ gốc Việt hiện nay.
Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai |
Vài năm trở lại đây, những cây bút người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đã đem lại luồng gió mới cho văn đàn thế giới. Những tác phẩm viết bằng tiếng Anh của họ nhận được nhiều giải thưởng uy tín và được dịch, xuất bản đến nhiều nước trên thế giới. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai, hiện đang nghiên cứu tại trường đại học Lancaster trả lời phỏng vấn phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam về những điểm nổi bật của những tác phẩm văn học của những nhà văn người Mỹ gốc Việt hiện nay.
Phóng viên: Được biết, chị đang thực hiện chương trình nghiên cứu tiến sĩ về các tác phẩm văn học của các nhà văn người Mỹ gốc Việt. Vậy thì chị có thể chia sẻ điều nổi bật trong những tác phẩm như thế này?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Những tác phẩm của những nhà văn người Mỹ gốc Việt viết bằng tiếng Anh nhưng mình tìm ra rằng những nhà văn này đưa tiếng Việt vào trong tiếng Anh. Họ có chiều hướng giới thiệu cho bạn đọc về văn hóa Việt Nam. Ví dụ như nhà văn Nguyễn Thanh Việt, người được giải thưởng Pulitzer vào năm 2016. Trong tiểu thuyết Cảm tình viên, anh viết các từ như phở, tết mà không có chú thích về nghĩa. Và anh ấy nói rằng là một nhà văn da vàng sống ở Mỹ, người ta nghĩ rằng chúng tôi là những nhà văn thiểu số, cần phải viết để phục vụ cho đám đông. Nhưng tôi viết trên tâm thế không phục vụ cho số đông, không phục vụ cho ai cả, và nếu bạn thích tác phẩm của tôi thì bạn tự đi tìm hiểu phở và Tết là gì. Một nhà văn nữa là Lại Thanh Hà, cô ấy đưa tiếng Việt vào các tác phẩm của mình rất nhiều như quyển sách mới của cô ấy Listen slowly (Lắng nghe chậm rãi), cô ấy đã dùng từ “ông” xuyên suốt một tác phẩm tác phẩm bằng tiếng Anh thay cho từ grandpa. Những nhà văn này đang đưa tiếng Việt vào trong tiếng Anh. Hay một trong những nhà thơ tôi phân tích trong tham luận của mình là nhà thơ Ocean Vương. Anh ấy sang Mỹ vào lúc nhỏ và chỉ có cơ hội học tiếng Anh lúc 11 tuổi, nhưng 18 năm sau, vào độ tuổi 29, anh ấy sáng tạo lại tiếng Anh, tức là viết tiếng Anh một cách mê hoặc lòng người và rất khác, không giống người Mỹ viết tiếng Anh. Người ta đánh giá cao sự tìm tòi và sáng tạo của Ocean Vương.
Phóng viên: Vậy theo chị điều gì làm nên thanh công của những nhà văn Mỹ gốc Việt?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Sự thành công của những nhà văn Mỹ gốc Việt trẻ tuổi hiện nay là không thể nào phủ nhận được. Nếu bạn tra về những quyển sách viết về Việt Nam đáng chú ý thì tên của những người như Nguyễn Thanh Việt, Thanh Hà Lại, Cathy Linh Che, Monique Trương, Ocean Vương, Thy Bùi…Sách của họ bán rất chạy và đưa vào những chương trình giảng dạy ở các trường đại học. Họ viết với sự sáng tạo và sự mới mẻ. Và mình nghĩ họ viết với sự can đảm, đào sâu vào nỗi đau của gia đình mình. Thực ra viết là một quá trình vô cùng khó khăn. Và tôi nghĩ một trong những điều mang đến thành công của các nhà văn Mỹ là sự can đảm của họ. Ví dự như Ocean Vương là một người đồng tính và anh ấy can đảm viết về sự đồng tính của mình. Anh ấy viết không giấu diếm và viết rất trực diện.
Phóng viên: Trong lần trở về này, nếu nói về những tác phẩm văn học của những nhà văn gốc Việt tại Mỹ, chị có thể đưa ra ý kiến gì?
Nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi trở về Việt Nam lần này để dự hội nghị nhà văn với sứ mệnh Đại đoàn kết dân tộc. Trong tham luận của tôi nói về tính nguồn cội trong những tác phẩm của những nhà văn Mỹ gốc Việt viết bằng tiếng Anh. Tôi chỉ ra rằng dù đây là thế hệ thứ hai của những người Mỹ gốc Việt. Họ sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng họ không bao giờ quên Việt Nam. Và họ viết về Việt Nam với niềm đau đáu khôn nguôi. Người Việt trong nước cũng cần lắng nghe hơn tiếng nói từ hải ngoại và và người Việt ở hải ngoại cũng cần lắng nghe hơn tiếng nói của người trong nước, để có thể có được sự đối thoại hết sức cởi mở và chân thành. Trong nhiều năm qua, với sự nỗ lực của nhiều cá nhân, đã có sự gặp mặt của các nhà văn từ hai phía, và cần nhiều hơn những cuộc gặp mặt đó. Cần nhiều hơn những tác phẩm hải ngoại được xuất bản trong nước. Chúng ta đã xuất bản rồi nhưng những con số ấy vẫn còn chưa đủ, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa.
Phóng viên: Vâng, xin chân thành cảm ơn chị!