(VOV5) - Những câu thơ, bài thơ của ông vẫn còn đây trong tâm trí để nhớ mãi về một thi sĩ tài hoa, một con người hiền lành, thân thiện và yêu thương tha thiết cuộc đời.
Nhà thơ Vũ Duy Thông, sinh ngày 26/2/1944, quê gốc thôn Yên Bái, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, tốt nghiệp khóa 8 khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, PGS.TS Ngữ văn vừa qua đời chiều 28/5 tại Hà Nội sau một thời gian dài bị bệnh tim và tai biến.
Ông đã xuất bản 10 tập thơ, 10 tập truyện cho thiếu nhi và 1 tập kịch. Vũ Duy Thông từng được giải Ba Cuộc thi thơ Tuần báo Văn nghệ năm 1969 với hai bài thơ Bè xuôi sông La và Ngọn đèn lò, hai Giải thưởng sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM tổ chức với các tập truyện Ai là bạn tốt (1978) và Về thăm bà nội(1988).
Tuổi thơ của nhiều người đi học hẳn không thể quên được bài thơ "Bè xuôi sông La" của Vũ Duy Thông đã được đưa vào SGK Tiểu học suốt bao năm qua. Bài thơ được viết từ năm 1967, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang diễn ra vô cùng ác liệt. Vậy mà những câu thơ 5 chữ lại mang đến cho người đọc một vẻ đẹp bình yên, thơ mộng của dòng La, vẻ đẹp ấy vượt lên những đau thương gian khổ, mang lại cảm giác lạc quan, tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng: "Bè đi chiều thầm thì/Gỗ lượn đàn thong thả/Như bầy trâu lim dim/Đắm mình trong êm ả/Sóng long lanh vẩy cá/Chim hót trên bờ đê/Ta nằm nghe nằm nghe/Giữa bốn bề ngây ngất/Mùi vôi xây rất say/Mùi lán cưa ngọt mát/Trong đạn bom đổ nát/Bừng tươi nụ ngói hồng/Đồng vàng hoe lúa trổ/Khói nở xòa như bông".
Sau này, ông còn có bài thơ "Bé làm phi công", được đưa vào SKG Tiếng Việt lớp 3, bộ mới với những câu thơ rất tình cảm: "Rồi quay tay lái/Bé sà xuống ngay/Ùa vào lòng mẹ/Mẹ là sân bay".
Vũ Duy Thông có lẽ cũng là một người đi nhiều. Nhưng điều quan trọng là, cùng với mỗi chuyến đi ấy, những bài thơ, những câu thơ thật hay đã ra đời, in dấu trong trí nhớ người đọc. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, những câu lục bát ngọt ngào về Sa Pa của ông, tôi chỉ đọc một lần đã không thể nào quên: "Sương mờ trôi, sương mờ trôi/ Em đi hư ảo một trời Sa Pa/ Chênh vênh phiên chợ Bắc Hà/ Khăn piêu, yếm đỏ để mà chia phôi/ Thế rồi thôi, thế rồi thôi/ Em về dốc vắng tôi lui phố phường/ Tối gác hẹn, trưa góc đường/ Quen nhau một buổi nhớ thương được nào/ Lạ lùng sao, lạ lùng sao/ Đời tôi có một cành đào trong sương". Những điệp khúc lặp lại rất duyên dáng ở mỗi câu 6 chữ như những bước chân lên xuống của một vùng cao, hòa trong sương khói chập chùng.
Sau này, thơ Vũ Duy Thông ngày càng lắng đọng sâu sắc. Ông có những câu day dứt khi đến Khau Vai: "Uống cho người ấy không yên được/ Dẫu đã chồng con đã vẹn bề/ Uống cho trăng lặn bên kia núi/Bật khóc thương người trong cơn mê".
Thơ tình của Vũ Duy Thông càng về những năm tháng cuối đời càng nhiều những chiêm nghiệm và suy tư về thời gian: "Em có thật như mùa xuân/ Mỗi lần gặp một lần ngây ngất/ Em có vô lý như mùa xuân/ Mỗi lần đón mỗi lần sắp mất" (Mùa xuân vàng).
Trong thi ca Việt Nam hiện đại, đã có vô vàn thi sĩ viết về mùa thu. Nhưng Vũ Duy Thông vẫn tìm ra được một giọng điệu riêng qua bài thơ Mùa thu nổi tiếng của mình. Ở bài thơ này, thêm một lần nữa ta thấy được chất lục bát hư ảo, mong manh và quyến rũ của ông. Nhịp điệu dìu dặt man mác của lục bát Vũ Duy Thông hình như rất dễ ru lòng người lạc vào một cõi khác: "Bỗng dưng đàn sếu bay ngang/Thu về sao quá khẽ khàng hỡi thu/ Chuỗi cườm đứt nối trong mù/ Tiếng ai gió thổi mơ hồ bãi xa/Con ve khô vỏ vườn già/Đầm sen gắng nở nụ hoa cuối cùng".
Nụ hoa thơ cuối cùng của Vũ Duy Thông là tuyển tập "Con bồ câu tha đi một cọng cỏ", được NXB Hội nhà văn ấn hành và ra mắt bạn đọc năm 2012. Ông đã vĩnh biệt chúng ta trong những ngày giữa hạ, không kịp đón thêm một mùa thu sắp tới, nhưng những câu thơ bài thơ của ông vẫn còn đây trong tâm trí chúng ta, để nhớ mãi về một thi sĩ tài hoa, một con người hiền lành thân thiện và yêu thương tha thiết cuộc đời: "Mai sau trên những bãi cồn/ Đừng tìm tôi dưới cỏ non xanh dày/ Bởi tôi đã có phút giây/ Từng theo đàn sếu xoải bay trong mù..."