Nhà văn Lê Minh: chia sớt với những hoàn cảnh lìa tan, chia cắt

(VOV5)- Là con gái của nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhưng trong sự nghiệp, Lê Minh (tên thật là Tài Hồng), đã không bị cái bóng của cha mình trùm lấp. Là nhà văn sinh ra, lớn lên và trưởng thành cùng nhân dân trong cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, Lê Minh đã chọn cho mình một lối đi riêng, khi đề tài chủ lực của bà là về cách mạng, kháng chiến và giai cấp công nhân.

Sáng 27/8, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, hội thảo “Nhà văn Lê Minh với đề tài về cách mạng, kháng chiến và giai cấp công nhân” đã diễn ra với sự tham dự của nhiều nhà văn, bạn đọc. Những hoạt động hội thảo về sự nghiệp của các nhà văn lão thành do Ban chuyên đề, Hội nhà văn tổ chức đầy ý nghĩa khi nhìn nhận lại những đóng góp của các cây bút văn học trong quá khứ.

Nhà văn Lê Minh: chia sớt với những hoàn cảnh lìa tan, chia cắt - ảnh 1
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: vanvnnet

Tác giả Vân Thanh, trong tham luận “Lê Minh, nhà văn nữ bền bỉ và năng động” đã nhận xét: “Viết về công nghiệp đòi hỏi nhà văn trước hết phải có một vốn sống phong phú về mảnh đất mình sẽ cắm sâu vào. Có thể nói đối với văn học Việt Nam đó là một mảnh đất mới, một vùng đất lạ; và do vậy cũng có thể nói, là mảnh đất in dấu rõ nét gơn bất cứ đây sự đấu tranh quyết liệt giữa cái mới và cái cũ. Đã có biết bao nhà văn xông vào mảnh đất này, nhưng rồi bỏ cuộc, hoặc bị bật ra. Cho đến sau này, Lê Minh vẫn thuộc trong số những người viết không những không bỏ cuộc mà còn kiên trì theo đuổi, hơn nữa, còn thực hiện được nhiều dự định.”

“Trong số các nhà văn nữ Việt Nam thế hệ trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám, Lê Minh là một tên tuổi đặc sắc – không chỉ ở sự dũng cảm trong việc thâm canh vào một đề tài mới và khó là đề tài công nghiệp; mà còn là ở sự mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác của đời sống, trong đó có mảng viết về các thế hệ cách mạng tiền bối và viết cho thiếu nhi. Không chỉ là người viết văn xuôi; với bề dày của ký, truyện ngắn và tiểu thuyết, mà còn là người viết hoặc chủ biên nhiều công trình rất đáng quý về thân phụ của chị là nhà văn Nguyễn Công Hoan”

Lê Minh đặc biệt thành công với thể loại truyện ký về các nhân vật anh hùng cách mạng, như tác phẩm "Người thợ máy Tôn Đức Thắng" chẳng hạn. Dũng cảm lựa chọn cách viết chuyện người thật việc thật, không dùng tới sự biến ảo của tiểu thuyết, nhưng giọng văn Lê Minh vẫn đầy sức cuốn hút và thuyết phục trong thể loại truyện ký. Nói như nhà văn Phạm Ngọc Chiểu thì: "Viết về một tác phẩm dài hơi về người thật việc thật, nhà văn vẫn giữ nguyên thể loại truyện ký mà không mượn thể loại khác, là một việc làm thật dũng cảm. Nó vừa chứng tỏ sự tự tin của nhà văn, vừa chứng tỏ vốn liếng hiện thực phong phú, dày dặn, đủ giúp nhà văn dùng thể loại này để thể hiện tác phẩm của mình. Với cách nhìn đó, tôi cho rằng “Người thợ máy Tôn Đức Thắng” và nhà văn Lê Minh là một trường hợp như vậy. Chọn một nhân vật nổi tiếng từng làm đến chủ tịch nước làm nhân vật chính cho thiên truyện của mình, kể rành rọt về cuộc đời và sự nghiệp của người đó, là một việc làm rất dũng cảm. Và nếu viết một thiên truyện người thật việc thật dễ bị kiểm chứng, xét nét, viết và viết dài được đến 353 trang in lại là một sự dũng cảm nữa của nhà văn. Điều đáng nói hơn, là hai sự dũng cảm đó đã làm nên một thiên truyện có sức lôi kéo người đọc (trong đó có tôi) từ trang đầu đến trang cuối cùng của câu chuyện. Đây là một thành công đáng trân trọng của nhà văn Lê Minh."


Có lẽ, ấn tượng sâu đậm của những nhà văn đã cùng làm việc với Lê Minh, cũng như từng đọc bà, đó là một nhà văn có tài và có tâm, một người bạn, một người em, một người chị với trái tim mẫn cảm đã từng chia sớt, giúp đỡ rất nhiều nhà văn có những hoàn cảnh đặc biệt khác như Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Gia Lộc… Nhà văn Xuân Cang, trong hồi ức “Lê Minh sống và viết” đã cho rằng: "Bà sinh ra để gánh vác một sứ mệnh không nhẹ nhàng chút nào đối với một thân phận nữ, là che chắn, cứu vớt những hoàn cảnh tán tác, lìa tan trong gia đình cũng như trong xã hội"

Chính tính cách này có những tác động nhất định đến việc lựa chọn, xây dựng nhân vật của Lê Minh. Cũng theo nhà văn Xuân Cang “Có một tiếng nói của số phận luôn mách bảo Lê Minh hãy làm con người chia sẻ với con người, gánh đỡ và cứu vớt con người trong những hoàn cảnh lìa tan, chia cắt, hoán tán. Cho nên rất tự nhiên mà Lê Minh tìm đến những nhân vật mẫu như chị Tư Già trong truyện ngắn Chị Tư Già, Nguyễn Thị Minh Khai trong Khúc hát vườn trầu, nhân vật mẹ trong Nhật ký người mẹ.” Về văn phong của bà, nhà văn Xuân Cang nhận xét: “Lê Minh có một cái nhìn và một cảm nhận tinh tế hiếm có về các vẻ đẹp của các sự vật. Bà tả cây mai trong vườn nhà thơ Tú Mỡ “Hoa mai trắng bây giờ rất hiếm, và vì thế, nhiều người đã gọi lẫn hoa mận, hoa song mai, với hoa mai. Hoa mai trắng cánh kép, bông to như hoa đào, nhưng thơm, rất thơm. Trong vườn có một cây mai thì chỉ cần đến ngõ đã biết, nó phảng phất như phấn như hương mà không bắt được. Mai hoa không kết quả. Những cánh hoa mai trắng rập rờn bay trước gió rồi đậu xuống bờ cỏ quanh gốc. Cành mai khẳng khiu, dáng cây gầy guộc, nhưng hoa trắng phủ kín cành và những cánh hoa rơi đậu tản dưới gốc. Mùa đông dưới nắng hanh, màu trắng lấp loáng rực rỡ và tinh khiết.”

Ngòi bút của Lê Minh từng trải, chạm đến những vấn đề gốc rễ của đời sống, như nhà văn Hoàng Minh Châu phát biểu: "Viết về chị Minh Khai hay Người thợ máy Tôn Đức Thắng, Lê Minh đã vượt ra qua được những ấu trĩ của cuốn sách kể chuyện người thực việc thực, nhưng chị đã biết nâng chân dung một người thợ Ba Son lên thành một nhà cách mạng, về sau biết kéo cờ phản chiến ở một bến tàu Hắc Hải"… "Người đàn bà này khi cần chính kiến cũng tỏ ra đanh đá ra phết. Đó là nhiều tác phẩm của chị viết về xã hội, viết về giới của mình, trong đó có truyện Cái tát, một quyển truyện biểu lộ thái độ của nhà văn trước lẽ phải. Qua đó ta biết Lê Minh quả là nhà văn từng trải."

Đến ngày hôm nay, nhiều tác phẩm của Lê Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Tiểu thuyết "Hòn đảo một mình" của Lê Minh hoàn thành năm 1981, nhưng như nhà văn Tô Đức Chiêu nhận xét thì “Những thói hư tật xấu, những mưu toan cá nhân, ích kỉ của một lớp cán bộ có chức có quyền, cũng như về phía ngược lại, là những con người chăm chỉ, chịu khó, có nawngl lực và động cơ trong sáng, luôn luôn là mâu thuẫn xã hội giằng xé. Nhà văn Lê Minh đã phản ánh chân thực và sinh động về một thời như thế, và đến hôm nay, ngay trước mắt chúng ta vẫn đầy rẫy những hiện tượng là vậy, phải chăng mức độ xảo trá cao hơn, hành động quyết liệt nguy hiểm hơn và tầm cỡ quy mô hành tráng hơn ngang với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội hiện tại….” Và “…tiểu thuyết Hòn đảo một mình của nhà văn Lê Minh vẫn nội dung vẫn giữ giá trị thời sự của nó như nhà văn đã từng tâm huyết trên từng trang viết”./.

Phản hồi

Các tin/bài khác