Nhìn lại di sản văn học Vũ Trọng Phụng

(VOV5) - Vũ Trọng Phụng "giữ riêng một ngọn cờ tiểu thuyết mà chính tay ông đã dệt xong."

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong số các nhà văn đình đám của văn học Việt Nam giai đoạn rực rỡ 1930-1945 đầu thế kỷ 20, không thể không nhắc đến tên tuổi Vũ Trọng Phụng. Những tác phẩm, những nhân vật của ông vẫn có sức sống đến ngày hôm nay. Nhưng như giáo sư Phong Lê từng, số phận tác phẩm của Vũ Trọng Phụng “như thân phận nàng Kiều".

Qua 30 năm chìm nổi (nếu tính từ năm 1959, Viện văn học phát động “Vấn đề Vũ Trọng Phụng” – cho đến năm 1989, Viện Văn học chủ trì cuộc hội thảo kỷ niệm 50 năm ngày mất Vũ Trọng Phụng), phải đến thời điểm đó, những giá trị mà Vũ Trọng Phụng để lại, chính thức được người đời nhìn nhận với con mắt cởi mở và đổi mới hơn.  

Nhìn lại di sản văn học Vũ Trọng Phụng - ảnh 1

Vũ Trọng Phụng (sinh 1912 - mất 1939), với thời gian sống rất ngắn ngủi, cuộc đời chỉ gói gọn trong 27 năm, trong đó có 9 năm cầm bút (1930-1939), nhưng đã kịp để lại một kho tác phẩm nhiều thể loại: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình văn học và hàng trăm bài báo. Tác phẩm đầu tiên là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm  1930, nhưng Vũ Trọng Phụng thực sự được dư luận chú ý khi viết vở kịch Không một tiếng vang năm 1931.

Với những tác phẩm phóng sự đắt giá, và những tiểu thuyết đình đám Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội, thậm chí một số người đã so sánh ông như  Balzac của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng vì phong cách "tả chân" và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì "tội tổn thương phong hóa". Về sau này, tác phẩm của ông lại bị cấm in, cấm đọc vì là "tác phẩm suy đồi", cho đến tận cuối những năm 1980 mới trở lại với bạn đọc.

Nhìn lại di sản văn học Vũ Trọng Phụng - ảnh 2Những bản in cũ của tác phẩm Vũ Trọng Phụng. 

Nhận định về văn chương Vũ Trọng Phụng, nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Tuấn Anh cho rằng: “Ông là một hiện tượng văn chương đặc biệt. Đặc biệt trong tính độc sáng của nó, đặc biệt trong sự không thể trộn lẫn với ai trong cả cuộc đời và văn nghiệp. Và mượn cách nói của ông khi phê bình Tắt đèn: Ông là một hiện tượng đặc biệt tùng lai chưa từng thấy. Những năm 30, cụ thể hơn là giai đoạn 1932-1939 có thể coi là một thời kỳ ngắn, đặc biệt là sự chín muồi và hoàn thiện đồng loạt các thể loại văn học hiện đại, với những tác phẩm đỉnh cao và những tên tuổi lớn trong làng văn. Khởi đầu và kết thúc sự nghiệp văn học ngắn ngủi của Vũ Trọng Phụng gần như nằm trọn trong khoảng thời gian này.”

Ngay khi Vũ Trọng Phụng qua đời, nhà phê bình văn học lừng lẫy Trương Tửu khi đó đã có một nhận xét chính xác và khái quát về văn chương Vũ Trọng Phụng: “Ông là một phần tử tiên phong và can đảm trong văn chương. Ông giữ riêng một ngọn cờ tiểu thuyết mà chính tay ông đã dệt xong”. Nhà văn Văn Chinh nhận xét, những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng sống mãi, vì khả năng xây dựng nhân vật bậc thầy của ông, điển hình như nhân vật Văn Minh, nhân vật Xuân tóc đỏ trong tác phẩm Số đỏ... Nếu Văn Minh là hình mẫu hài hước, sâu cay của loại trí thức rởm, thì Xuân tóc đỏ đích thị là một tên lưu manh được xã hội ô trọc “vạn tuế” nâng lên. Nhà văn Văn Chinh nhận xét: “Một khi hình tượng của nhà văn trở thành chân lý nghệ thuật, thì sức sống của nó sẽ vang xa vào mọi ngóc ngách của đời sống, chẳng những giúp cắt nghĩa chuyện đã xa xưa, mà còn giúp phòng ngừa, động chạm tái phát cho cả mai sau.”

Là người tham gia làm nhiều tuyển tập Vũ Trọng Phụng, đau đáu với việc hậu thế đã giữ gìn như thế nào với di sản của ông, nhà nghiên cứu, phê bình Lại Nguyên Ân cho biết: Đối với di sản Vũ Trọng Phụng, cũng như những di sản văn học của các tác giả khác thời kỳ trước cách mạng, vấn đề rất lớn đặt ra là tìm và tôn trọng theo bản gốc tác giả viết. Bởi vì ngay thời thuộc Pháp khi đó, những bản tái bản cũng đã bị sửa chữa sai lạc theo ý của người kiểm duyệt.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chia sẻ một ví dụ: “Tôi đã sưu tầm 4 bản in Giông tố. Chỉ cần so sánh; thứ nhất là bản đăng trên Hà Nội báo. Hai, là bản in xuất bản sách đầu tiên, ba là bản in năm 1951 của NXB Mai Lĩnh, và bản in năm 1956 của NXB Văn nghệ, thì tôi thấy các nhà quản lý người Việt để dấu ấn vào những văn bản nhiều nhất. Vì NXB Mai Lĩnh xin giấy phép năm 1951 của Văn phòng quản lý của Sở Thủ hiến Bắc kỳ (thuộc Pháp) - tức do người Việt Nam quản lý, thì tất cả trong Giông tố có chữ nào hiếp, giết thì bỏ hết, thay bằng “…”

Năm 1956 NXB Văn nghệ in lại thì không có cách nào khác, đành in bản đó. Thành ra chính quản lý người Việt Nam để lại sự xâm phạm vào văn bản nhiều nhất. Còn đương nhiên ở văn bản gốc cũng có những vấn đề của nó, nhưng chưa phải chịu kiểu thay đổi văn bản như tôi vừa nói. Có lẽ với những tác phẩm như của các nhà văn thời cũ như Vũ Trọng Phụng chẳng hạn, thì một trong những yêu cầu là, khi sưu tầm và tái xuất bản thì giữ nguyên trạng như lúc đầu, là một vấn đề đặt ra.”

Nhìn lại di sản văn học Vũ Trọng Phụng - ảnh 3Tác phẩm Vũ Trọng Phụng trở lại với bạn đọc hôm nay. 

Quan điểm văn chương của Vũ Trọng Phụng, theo nhà phê bình Vũ Tuấn Anh, thể hiện rõ trong tiểu thuyết Giông tố: Người ta đã trải đời thì phải hoài nghi. Chính vì quan điểm này mà tác phẩm của Vũ Trọng Phụng luôn là những gam màu nóng nhất, những góc khuất sắc sảo nhất trên bức tranh thế hệ cũ, và cũng nhờ sự chân thực ấy mà gần một thế kỷ qua, tác phẩm của ông vẫn chưa bao giờ lỗi thời.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác