Những cậu bé kẽm – thêm một tác phẩm xuất sắc của văn học tiếng Nga hiện đại đến Việt Nam

(VOV5) - "Những cậu bé kẽm" là lời bộc bạch của những người sống sót trở về từ chiến tranh Afghanistan và của thân nhân những người đã mất.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Những cậu bé kẽm – thêm một tác phẩm xuất sắc của văn học tiếng Nga hiện đại đến Việt Nam - ảnh 1

"Được viết bằng thể loại văn xuôi tư liệu cùng với tâm thế của một con người vị nhân phản chiến", “Những cậu bé kẽm” là một trong những tác phẩm nổi tiếng trong bộ 5 tác phẩm của nhà văn tiếng Nga đoạt giải Nobel 2015 Svetlana Alexievich.

Cuốn sách đã khuấy lên một giai đoạn lịch sử đầy những tổn thương đau đớn, đã phác họa một bối cảnh, đã soi chiếu bằng một góc nhìn trước nay chưa từng được công bố. Tác phẩm đã được dịch giả Phan Xuân Loan chuyển ngữ ra tiếng Việt, NXB Phụ nữ vừa ấn hành.

Nhà văn Svetlana Alexievich tại Ukraine trong một gia đình công chức. Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus, bà làm việc cho tờ Báo nông nghiệp và tạp chí Neman ở Minsk. Dịch giả Phan Xuân Loan cho biết: "Gia đình của bà có cha là người Belarus, mẹ là người Ukraine nhưng sinh ra và lớn lên thời Liên Xô cho nên bà là một nhà văn viết bằng tiếng Nga. Có thể coi đây thuộc dòng văn học tiếng Nga thời hiện đại."

Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học. Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thưởng này được trao cho bà để “tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta.”

Những cậu bé kẽm – thêm một tác phẩm xuất sắc của văn học tiếng Nga hiện đại đến Việt Nam - ảnh 2Nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich. -Nguồn: Getty Images

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ Nữ cho biết: "NXB Phụ Nữ chúng tôi may mắn mua được bản quyền 3/5 tác phẩm trong được nhận giải thưởng Nobel 2015 của Svetlana Alexievich. Đây là một cuốn sách mà chúng tôi đánh giá rằng nó là một trong những cuốn sách gây ấn tượng rất mạnh với bạn đọc trong cùng loạt tác phẩm được giải Nobel văn chương của bà."

Trong suốt vài thập niên Svetlana Alexievich viết biên niên tư liệu – nghệ thuật Những giọng không tưởng – gồm năm quyển sách (Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ - 1983, Những nhân chứng cuối cùng - 1985, Những cậu bé kẽm - 1989, Lời nguyện cầu từ Chernobyl - 1997, Thời second-hand - 2013) và để những “con người nhỏ bé” đích thân kể về số phận của mình.

Thực chất, đây là một thể loại đặc biệt, một loại tiểu thuyết chính trị đa giọng, trong đó những câu chuyện nhỏ bé hợp thành một lịch sử lớn. Như bà Khúc Thị Hoa Phượng nhận xét:“Đây là một cuốn sách tiếp nối thông điệp phản chiến, thông điệp vì hòa bình của tác giả. Đây là một trong những tác phẩm mà bà viết bằng thể loại vừa truyện vừa tư liệu. Bà đã phỏng vấn hàng trăm nhân chứng từ cuộc chiến tranh Afganistan trở về. Họ là những con người ra đi ở tuổi 18,19,20 tuổi xuân phơi phới, nhưng khi trở về thì họ được gọi là những món hàng 200, được đánh số - đó là những quan tài kẽm gửi về gia đình."

"Những cậu bé kẽm" là lời bộc bạch của những người sống sót trở về từ chiến tranh Afghanistan và của thân nhân những người đã mất. Đó là những dòng hồi ức khốc liệt, đẫm máu, thống khổ và vĩnh viễn làm thương tổn không chỉ thân thể mà còn tinh thần con người. Nó phơi bày cái phi nghĩa, vô nhân của một cuộc chiến tranh vô vọng.

Dịch giả Phan Xuân Loan chia sẻ: " Khi tôi dịch cuốn sách này thì những ký ức về cái thời tôi học ở Liên Xô lại ùa về. Đó là vào thập niên 80. Trường đại học tổng hợp Cuban của tôi lúc đó đúng nghĩa là trường quốc tế, bởi vì có rất nhiều sinh viên các nước theo học, cả phương Tây nhưng chủ yếu là sinh viên các nước Á Phi. Trong số các nước Nam Á có các nước như Afghanistan, Pakistan, Bhutan, Nêpan, Ấn Độ vv... Khi học, chúng tôi không bao giờ nghĩ là sau này, những người sinh viên mà mình biết ấy trong cuộc chiến Afghanistan sẽ có những người cầm súng chống lại phe Liên Xô, nơi họ từng học.

Những cậu bé kẽm – thêm một tác phẩm xuất sắc của văn học tiếng Nga hiện đại đến Việt Nam - ảnh 3 Dịch giả Phan Xuân Loan (cầm hoa) với các giảng viên và sinh viên khoa Ngôn ngữ Đại học Tổng hợp quốc gia Kuban ở Krasnodar, Nga, năm 2019. 

Trong cuốn Những cậu bé Kẽm cho thấy các sinh viên về nước theo phong trào Mujahideen, là phong trào chiến đấu chống lại chính quyền Kabul khi đó. Đó là những người từng học ở Liên Xô, từng nghe nhạc phản chiến, từng xem những bộ phim chiến đấu của Liên Xô, nhưng lại về cầm súng chiến đấu chống lại những người lính xô viết. Cuộc chiến tranh xem ra rất kỳ lạ. Và tất cả những khía cạnh đó đã được Svetlana Alexievich  phản ánh trong cuốn Những cậu bé kẽm.

Khi dịch cuốn sách này tất cả những ký ức đó ùa về. Tác giả muốn đặt ra trong cuốn sách,có những cuộc chiến tranh mà người ta muốn nhớ, muốn lưu giữ lại trong sử sách, nhưng cũng có những cuộc chiến tranh người ta muốn quên. Và đây là cuộc chiến tranh người Liên Xô muốn quên. Đây là một thời kỳ rất khó khăn với Liên Xô. Nó cũng là thời kỳ khá đặc trưng trong thời chiến tranh lạnh."

Hơn năm trăm cuộc phỏng vấn đã được Svetlana Alexievich thực hiện để tạo nên bức tranh toàn cảnh về những góc khuất của chiến tranh. Cũng chính những trang tư liệu về nỗi đau của những nỗi đau này, ngày 20/1/1993, cuốn sách của Svetlana Alexievich bị đưa ra tòa xét xử bởi những người cung cấp tư liệu đâm đơn kiện với lý do phỉ báng danh dự và ngụy tạo lời kể. Phiên tòa kéo theo sự chú ý của chính quyền và công chúng tạo thành làn sóng dư luận ở cả hai phía, ủng hộ và chống đối Svetlana Alexievich. Ở những lần tái xuất bản sau, Svetlana Alexievich đã đồng ý thêm vào toàn bộ biên bản vụ kiện cùng những sự kiện có liên quan.

Dịch giả Phan Xuân Loan chia sẻ, độc giả Việt Nam sẽ tìm thấy những nét đồng cảm lớn trong tác phẩm: "Tôi nghĩ đồng cảm lớn nhất là suy nghĩ của người dân thường, của những bà mẹ, những người vợ có chồng tham chiến; và tâm tư của những người lính Xô viết, vì những lý do nào đó, tự nguyện, hoặc bị bắt buộc tham gia cuộc chiến tranh Afghanistan. Họ có cái nhìn gần gũi và người Việt Nam có thể hiểu được, bởi trong chiến tranh, tất cả những con người nhỏ bé ấy đều là nạn nhân một cách nào đó. Và Alexievich, như bà đã viết trong cuốn sách, chọn cách kể lại câu chuyện từ những con người nhỏ bé ấy, những con người mà những đóng góp hoặc sự hy sinh không được ghi lại trong cuộc chiến vốn nhiều người đã không còn muốn nhớ"

Các tác phẩm của Svetlana Alevievich đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng, là nền tảng cho hằng trăm bộ phim điện ảnh, kịch sân khấu và truyền thanh trên khắp thế giới, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Và đến với độc giả Việt Nam trong hình hài tiếng Việt, “Những cậu bé kẽm” "là một nét nữa trong biên niên thời đại đầy nghịch lý của chúng ta…"

Tin liên quan

Phản hồi

Phạm Oanh

Muốn cầm trên tay và đọc ngay lập tức "Những cậu bé kẽm". Nội dung giới thiệu cuốn hút tôi dữ dội, nhất là, kẽm, không phải là món đồ chơi, không là vật dụng quen thuộc...mà là chiếc quan tài bằng kẽm bọc xác các cậu... Xem thêm

Các tin/bài khác