(VOV5) - NSƯT Chí Trung, giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói về những cảm xúc nhân kỷ niệm chặng đường phát triển của Nhà hát.
NSƯT Chí Trung, giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ |
Nhà hát Tuổi trẻ thành lập vào tháng 4 năm 1978, bao gồm nhiều bộ môn nghệ thuật như kịch nói, ca – múa – nhạc nhẹ - nhạc dân tộc – kịch câm. Trải qua 40 năm tồn tại và phát triển, Nhà hát Tuổi trẻ đã dần trở thành một địa chỉ nghệ thuật quen thuộc với khán giả thủ đô. Đây cũng là nơi sưu tầm, bảo tồn và nâng cao để giới thiệu nghệ thuật đặc sắc trong nước và quốc tế. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn NSƯT Chí Trung, giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ về những cảm xúc nhân kỷ niệm chặng đường 40 năm phát triển của Nhà hát.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa NSƯT Chí Trung, Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Nhà hát Tuổi trẻ đã có những sự chuẩn bị như thế nào?
NSƯT Chi Trung: Tháng 4 có một niềm vui rất lớn của Nhà hát Tuổi trẻ đó là kỷ niệm 40 năm chúng tôi đang có 6 chương trình tốt nhất của Nhà hát Tuổi trẻ, tạm gọi là những chương trình đỉnh cao. Những vở đã cũ như như “Công lý không gục ngã”, “Ai là thủ phạm” của tác giả Lưu Quang Vũ hay những vở vừa dựng như “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” hay vở hài kịch “Đời cười” mang thương hiệu từ năm 1997 – tính đến nay đã được 21 năm. Hay năm nay chúng tôi cũng sẽ dựng một vở kịch thiếu nhi “Cuộc phiêu lưu của gà trống choai” hay “Mảnh Lego màu đỏ”. Như vậy để có 6 đêm diễn khác nhau để đến với khán giả Hà Nội nói riêng và các tỉnh nói chung. Một chương trình kỷ niệm 40 năm không phải là đơn vị nào cũng có được một bề dày hoạt động và thành công như vậy. Cũng nói rộng ra hơn nữa, vào dịp 1/6 chúng tôi cũng chuẩn bị 3 đoàn kịch, 1 đoàn ca có 6 chương trình để phục vụ cho các cháu. Như năm ngoái từ ngày 15/5 đến 3/6 chúng tôi diễn liền 75 suất cho thiếu nhi.
NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
PV: Trong một loạt chương trình hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, một vở kịch gây được tiếng vang của Nhà hát Tuổi, đó là vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của đạo diễn Sĩ Tiến. Anh có thể chia sẻ đôi nét về vở kịch này?
NSƯT Chí Trung: Vừa rồi vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” chúng tôi cũng lần đầu tiên đấu thầu đạo diễn, đưa cho 3,4 đạo diễn đọc ai muốn làm thì đăng ký. Các đạo diễn nghiên cứu và 1 tháng sau trả lời trước Hội đồng nghệ thuật. Trước đó các bạn gửi mail cho chúng tôi nói về những ý tưởng, những mong muốn sẽ dàn dựng như thế nào. Còn câu chuyện thì rõ rồi. Sân khấu có một cái hay là mỗi đạo diễn sẽ dàn dựng sang một kiểu. Cuối cùng anh Sĩ Tiến là người trúng thầu. Nói đấu thầu nghe có vẻ xây dựng. Nhưng thực ra đấu thầu ý tưởng cũng là một sự đấu thầu bởi tôi đề nghị các đạo diễn phải có trách nhiệm của mình, trách nhiệm với sự dàn dựng, với đồng tiền chung, công sức của anh em, thời gian bỏ ra của khán giả đến với chúng tôi. Thế nên vở làm phải tốt còn nếu không tốt sẽ không cho ra, đó là quan niệm của tôi với cương vị là lãnh đạo Nhà hát trong thời điểm này.
Lễ kỷ niệm 40 năm Nhà hát Tuổi trẻ |
PV: Tuy là một vở kịch được dựng lại từ một tác phẩm đã cũ của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, nhưng vở kịch này lại được công chúng yêu mến và đón nhận, anh có thể lý giải điều này?
NSƯT Chí Trung: Tại sao “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” lại được khán giả đón nhận là do tài năng của đạo diễn, thổi một luồng gió mát vào câu chuyện đã cũ, con chữ tưởng chừng đã cũ. Đồng thời kết hợp với BTV Mỹ Linh của VTV3 để cô đọng vở từ 3,5 tiếng còn 1 tiếng 50 phút. Lại được tập luyện chu đáo với các diễn viên. Đoàn diễn viên của chúng tôi rất say nghề, cứ nói đến tập, dựng vở của Lưu Quang Vũ là mọi người lại rất thích. Kịch bản của anh Vũ luôn luôn nhân văn. Tính dự báo và thông điệp của nó rất tốt. Đó là lí do Nhà hát Tuổi trẻ dựng rất nhiều vở của anh Vũ và thường là thành công. Tôi nghĩ rằng vở của anh Vũ, vở của tác giả bây giờ hay gì đi chăng nữa cũng gửi được những thông điệp cho khán giả. Có rất nhiều khán giả vừa mới ra đời, trẻ trung chưa hề trải nghiệm cuộc sống, họ hoàn toàn xứng đang được hưởng thụ những câu chuyện tưởng chừng như đã cũ, nhưng thông điệp qua cách kể mới thì hoàn toàn mới bởi những giá trị tốt đẹp thì không bao giờ là cũ cả. Còn câu chuyện có thể cũ nhưng cách kể chuyện cũng cũ nốt nữa thì không ai xem. Đó là cái tài của đạo diễn Sĩ Tiến, có cách khắc họa dàn trải khác đi so với những đạo diễn trước đây.
Lễ kỷ niệm 40 năm Nhà hát Tuổi trẻ |
PV: Chặng đường 40 năm thành lập, nhân dịp kỷ niệm này anh muốn chia sẻ những cảm xúc gì với những khán giả đã luôn dành tình yêu mến với Nhà hát?
NSƯT Chí Trung: Vâng, 40 năm Nhà hát từ 1978 đến 2018, Nhà hát kỷ niệm ngày 10/4. Tôi cũng được vinh dự mình là người phụ trách là đời giám đốc thứ 7. Có một điểm khác biệt, tôi là người giám đốc trưởng thành từ diễn viên đầu tiên. Tôi cũng thấy mình may mắn trong thời kỳ Nhà hát 40 năm tuổi, mình cần có trách nhiệm khuếch trương những hoạt động thành công, thương hiệu và khát vọng của 200 cán bộ nghệ sĩ Nhà hát. Nhưng có một điều tâm sự là đây lại rơi vào thời kỳ rất khó khăn của sân khấu nói chung và nghệ thuật nói riêng. Khán giả quá no và bão hòa với các loại thông tin, chưa kể họ phải đến với những sân khấu hình hộp, vở diễn của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi chuẩn bị tâm thế kỷ niệm 40 năm vừa mừng vừa lo. Nhưng dẫu sao đó không phải là việc của riêng mình, mà là sự tiếp nối một dòng chảy, một trách nhiệm của mình. Và niềm vui này không chỉ niềm vui của nhà hát Tuổi trẻ, là niềm vui chung của cả xã hội. 40 năm là một thành công và thương hiệu gắn liền với với thanh, thiếu niên trên khắp đất nước. Trách nhiệm của tôi là vừa phát triển được thương hiệu, giữ vững truyền thống, tiếp lửa yêu nghề và biết hội nhập làm sao nghệ thuật của mình lan tỏa được vào cuộc sống.
PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ!