Phát triển nghệ thuật ca trù ở Thủ đô Hà Nội

(VOV5) - Thủ đô Hà Nội là một trong cái nôi của nghệ thuật ca trù. Đây cũng là địa phương có nhiều Câu lạc bộ ca trù nổi tiếng như Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà, Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long...Thủ đô Hà Nội cũng là nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân, ca nương, kép đào hát hay, đàn giỏi. Từ khi nghệ thuật ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, đến nay số lượng các câu lạc bộ ca trù của Thủ đô thành lập ngày một nhiều hơn. 

Phát triển nghệ thuật ca trù ở Thủ đô Hà Nội - ảnh 1
(Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



So với 9 Câu lạc bộ ở thời điểm năm 2009 thì hiện nay Thủ đô Hà Nội có 14 câu lạc bộ, nhóm ca trù đang hoạt động, 50 người có khả năng truyền dạy và 220 người tham gia biểu diễn và sinh hoạt trong các câu lạc bộ. Hiện các câu lạc bộ duy trì hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí tự nguyện đóng góp và tâm huyết của các nghệ nhân, những người yêu nghệ thuật ca trù.  Bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, cho biết: "Nhiều câu lạc bộ ca trù mọc lên và các câu lạc bộ ấy hoạt động rất là có hiệu quả. Thế nhưng có điều đáng lưu ý là các câu lạc bộ mọc lên phần lớn là do các nghệ nhân tâm huyết với nghề và thành lập Câu lạc bộ mang tính chất tự phát nên không có định hướng và về mặt chuyên môn, nghệ thuật thì còn bị buông lỏng".

Hầu hết các câu lạc bộ ở Thủ đô Hà Nội khi lập ra gặp nhiều khó khăn về địa điểm sinh hoạt, không gian biểu diễn thường xuyên. Tuy nhiên, không vì những khó khăn đó mà những người có tình yêu, đam mê nghệ thuật ca trù quay lưng lại với loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Chị Vũ Thị Thùy Linh, thành viên của câu lạc bộ Ca trù Phú Thị, cho biết câu lạc bộ được thành lập xuất phát từ tình yêu ca trù của 3 thành viên. Hiện mỗi khi tập luyện các thành viên của câu lạc bộ không phải nhờ địa điểm tại nhà riêng của một thành viên. "Chúng tôi hàng tuần luyện tập một buổi tại nhà riêng và thỉnh thoảng cụ Chúc còn sống thì chúng tôi hay về dưới cụ vừa để đàn hát vừa để học hỏi những gì cụ chỉ bảo. Bây giờ còn cụ Nguyễn Phú Đẹ, ở Hải Dương còn sống nhưng sức khỏe cụ đã yếu thì chúng tôi cũng chỉ thỉnh thoảng về thăm cụ được thôi chứ không còn sức giúp mình nữa nên chúng tôi tự luyện tập là chủ yếu" - chị Linh chia sẻ.

Để hồi sinh, bảo tồn ca trù, thời gian qua, không chỉ cá nhân những người yêu nghệ thuật ca trù mà ngành văn hóa cũng như các câu lạc bộ của thủ đô chú trọng đến việc trao truyền, đào tạo thế hệ trẻ. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đề xuất:
 "Việc khẩn cấp đầu tiên là phải trao truyền được ca trù từ thế hệ nòng cốt đang giữ ca trù này cho một thế hệ mới trẻ hơn, năng động hơn và nhiệt huyết hơn trong việc bảo vệ ca trù. Thứ hai là phải làm cho cộng đồng liên quan đến ca trù nhận thức được ca trù là một di sản có giá trị và đại diện của chính cộng đồng ấy và cần cho họ một sự hiểu biết về ca trù, đào tạo họ trở thành những công chúng của ca trù".

Phát triển nghệ thuật ca trù ở Thủ đô Hà Nội - ảnh 2
Các thành viên Câu lạc bộ ca trù Thăng Long

Là một loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học, việc bảo tồn ca trù đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đặc biệt là lớp nghệ nhân truyền nghề hầu hết đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, lớp kế cận không nhiều, trong khi đó nghệ thuật này lại kén người nghe, người học. Vì vậy, song song với việc truyền dạy, đào tạo nhiều thế hệ tâm huyết, gắn bó với ca trù thì việc tìm kiếm khán giả cho ca trù cũng là điều cần thiết. Hiện huyện Đông Anh đưa nghệ thuật ca trù vào các tiết học ngoại khóa của học sinh tại xã Liên Hà,  nơi có ca trù Lỗ Khê, cùng một số xã lân cận. Vì chỉ khi có khán giả thì nghệ thuật ca trù mới có môi trường để tồn tại một cách bền vững. Bà Phùng Thị Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, cho biết: "
Đưa ca trù vào trong những nội dung ngoại khóa ở trong trường học để các lớp trẻ được tiếp cận ca trù sớm hơn. Đấy là cái duy nhất mà tôi mong muốn và các cấp, các ngành chức năng nên đưa ca trù này hoạt động thường xuyên, liên tục để môn nghệ thuật này khỏi bị mai một".


Bên cạnh bảo tồn, lưu giữ hơn 30 thể cách, điệu múa cổ, các CLB Ca trù của Hà Nội sáng tác thêm 18 làn điệu mới, nhằm đáp ứng nhu cầu của người nghe. Trong Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016 vừa diễn ra có 36 bạn trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 30 tuổi tham gia. Điều này cho thấy, nhiều bạn trẻ của Thủ đô đã nhận thức được giá trị của di sản ca trù cũng như trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật này.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác