(VOV5)- Trong những ngày cuối tháng 3, Dự án Hỗ trợ Văn học Thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch (do NXB Kim Đồng phối hợp Hội Nhà văn Đan Mạch triển khai suốt 9 năm qua) đã tổ chức giao lưu, gặp gỡ với các nhà văn, họa sĩ, các tác giả chuyên và không chuyên của văn học thiếu nhi tại Hội Văn học nghệ thuật 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng.
|
Các thành viên trong đoàn trao đổi với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng |
Đây là một trong những hoạt động chính của chuỗi sự kiện nhằm kêu gọi các tác giả viết cho thiếu nhi tham gia cuộc Vận động sáng tác năm 2015 với chủ đề “Gõ cửa trái tim” và “Ngày tôi gặp...”. Nhiều ý kiến đóng góp đã được các nhà văn, họa sĩ chia sẻ thẳng thắn, với mong muốn phát triển và mở rộng đội ngũ sáng tác trong thời đại mới.
Họa sĩ Trần Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa và nhà văn Vũ Ngọc Thu, hội viên Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay còn rất mỏng và ít ỏi. Trên cả nước có hơn bốn vạn văn nghệ sĩ nhưng số lượng người viết cho thiếu nhi không nhiều, dù thực tế cho thấy trẻ em Việt Nam vẫn đang rất thiếu sách.”
“Sự quan tâm đến văn học thiếu nhi của chúng ta rất hạn chế và chỉ mang tính hình thức. Việc đưa bài vở viết cho thiếu nhi lên công luận và thông luận hạn chế hơn so với các dòng văn học khác. Việc đào tạo lực lượng sáng tác chuyên biệt ở mảng văn học thiếu nhi vẫn chưa thực sự được chú ý tới”.
|
Giao lưu với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa |
“Dấn thân” và “không ngại gian khổ” là những gì mà nhà văn Trương Tiếp Trương, người từng đạt giải Nhất trong cuộc Vận động sáng tác năm 2010 với chủ đề “Đối thoại với thiên nhiên” muốn chia sẻ với các cây viết trẻ. “Phải xác định khi bước vào con đường sáng tác là người viết sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức từ cuộc sống khắc nghiệt, với những nỗi lo rất đời thường vì cơm áo gạo tiền. Nhưng chính sự dấn thân và không ngại gian khổ sẽ giúp các nhà văn trẻ tìm được lối đi riêng”, anh cho biết.
Nhà văn Nguyễn Đức Linh, tác giả có nhiều năm gắn bó với mảng văn học thiếu nhi chia sẻ: “Trong một thế giới công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, người cầm bút đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách. Họ phải nhanh nhạy thích ứng với nhu cầu tìm đọc và tâm lí của trẻ em thời hiện đại, làm sao để nói với các em về những vấn đề của một xã hội hiện đại một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhưng không khô khan và cũ kĩ…”
Đây là phương pháp sáng tác thế mạnh của các nhà văn Việt Nam, khơi gợi cảm hứng sáng tạo khi sử dụng chất liệu từ cuộc sống thường nhật, một cuộc sống luôn biến đổi và vận động không ngừng”.
|
Bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án phát biểu ý kiến |
Trong suốt 9 năm qua, Dự án đã nỗ lực tổ chức nhiều cuộc Vận động sáng tác với các đề tài hấp dẫn, khơi gợi cảm hứng cho nhà văn, họa sĩ. Nhiều cây bút trẻ đã được phát hiện và bồi dưỡng từ các cuộc Vận động sáng tác, các Hội thảo chuyên đề và Chuyến tàu kể chuyện suốt dặm dài đất nước. Năm 2015, hướng đến chủ đề "Gõ cửa trái tim" (Thể loại văn xuôi dành cho lứa tuổi 10 - 14 tuổi) và “Ngày tôi gặp…” (Thể loại tranh truyện dành cho lứa tuổi 3 - 6 tuổi) với phương pháp sáng tác hiện thực, Dự án mong muốn giúp các em nhỏ gắn bó, hòa nhập với cuộc sống xung quanh, học cách yêu thương, trân trọng những điều bình dị và ấm áp. Bà Lê Thị Dắt - Giám đốc Dự án khẳng định: “
Những nỗ lực của Dự án trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ sáng tác thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giống như một “chất xúc tác” cổ vũ và khích lệ tinh thần nhiều nhà văn, họa sĩ, các cây bút viết, vẽ không ngại gian khó, tiếp tục dấn thân vào con đường sáng tác thiếu nhi./.