Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:
Nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu – người được đánh giá là bậc tôn sư của đất phương Nam đã để lại cho hậu thế một di sản văn thơ đồ sộ. Tháng 11 năm ngoái, Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức đưa Nguyễn Đình Chiểu vào danh sách Danh nhân văn hóa thế giới và quyết định cùng Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ Đồ Chiểu (01.7.1822 – 01.7.2022).
Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” diễn ra tại Bến Tre mới đây là hội thảo quốc tế đầu tiên về một danh nhân văn hóa ở Nam Bộ, cũng là hội thảo quốc tế đầu tiên về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều bài viết, tham luận được trình bày tại hội thảo cho thấy sức lan tỏa của thơ văn Đồ Chiểu trong quần chúng Nam Bộ.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn lớn của dân tộc trong dòng văn học yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược thời kỳ nửa cuối thế kỷ 19. |
Về phương diện tác gia, theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng xếp ngang hàng với những tác giả lớn của văn học châu Á như: Khuất Nguyên, Tả Khâu Minh, Bạch Cư Dị của Trung Quốc; Matsuo Basho, Kyokutei Bakin của Nhật Bản, tác giả “Xuân Hương truyện” của Hàn Quốc... mà UNESCO từng vinh danh.
Cũng theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, sự ưa thích tác phẩm “Lục Vân Tiên” ở nước ta chỉ thua mỗi “Truyện Kiều”. Truyện thơ “Lục Vân Tiên” được xem là tác phẩm giàu giá trị văn học, tư tưởng nhân nghĩa, phản ảnh lối sống, nghĩa khí con người ở vùng đất Nam bộ. Đi từ chất dân gian để rồi thấm sâu và lan tỏa trong dân gian, tác phẩm “Lục Vân Tiên” nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là “một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa!”
Cuộc đời sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được chia làm hai giai đoạn chính: trước và sau khi thực dân Pháp xâm lược. Sinh thời, những sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã mang sứ mệnh rúng động nhân tâm và được truyền tụng sâu rộng trong dân gian, đặc biệt ở mảnh đất phương Nam.
PGS.TS Vũ Nho gợi dẫn lại sự thẩm thấu của sáng tác thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đương thời: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn lớn của dân tộc trong dòng văn học yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược thời kỳ nửa cuối thế kỷ 19. Phải nói rằng sự nghiệp văn thơ của cụ Đồ Chiểu rất đồ sộ. Nhiều nhà thơ đương thời và sau ông ít lâu đánh giá cao, nhà thơ thời Nguyễn - Tùng Thiện vương – Miên Thẩm có bài thơ “Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân tử trận quốc ngữ văn” có nhận định: Quốc ngữ ông cũng hay như ông Tả Khương Minh mắt mù làm sử/ Lời văn của ông cũng giống bài ca uy hùng của ông Khuất Nguyên điếu những người tử trận”. Đây là lời ca ngợi về tài năng Nguyễn Đình Chiểu sánh với hai bậc thần thơ của Trung Quốc. Mai Am công chúa, em gái Tùng Thiện vương cũng có bài thơ ghi xúc cảm sau khi đọc bài “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu nhan đề là “Độc điếu nghĩa dân tử trận văn” trong đó có hai câu kết là: Quốc ngữ nhất thiên truyền bất hủ/ Tuyệt thăng Quảng Hán yểm khô hài”. Dịch nghĩa là một thiên quốc ngữ truyền mãi mãi còn hơn xây mộ cất khô hài”
Cùng là những tác phẩm phổ biến và có tầm ảnh hưởng trong tâm thức dân gian, nếu “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du được ca tụng là kiệt tác hàng đầu của văn học dân tộc ở mọi thời đại thì truyện thơ “Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từ đầu thế kỷ 20 đã được dân vùng lục tỉnh miền Nam hết sức tâm đắc và ưa chuộng. Sức sống, tinh thần của Lục Vân Tiên đến nay đã trở thành biểu tượng cho quan niệm sống “Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha” của người Nam bộ. Và theo nhà thơ Lê Minh Quốc, tính cách nghĩa hiệp ấy trở thành lẽ sống, tinh thần phụng sự bất vụ lợi: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn” và đã trở thành triết lý sống, di sản văn hóa của người Việt Nam ta.
Trong Nguyễn Đình Chiểu, có “ba con người trí thức”. Đó là “thầy thuốc, thầy giáo, và nhà thơ” |
Sinh thời, nhà cách mạng, Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận định: “Sở dĩ người Việt Nam ở miền Nam thích truyện “Lục Vân Tiên” trước hết là vì họ thấy mình trong các nhân vật tích cực được ca tụng trong truyện, y như Nguyễn Đình Chiểu nói về họ. Có gì thích thú hơn là đọc truyện mà thấy chính mình trong truyện?”. Tác giả Đăng Huỳnh, khi nghiên cứu về tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của “Lục Vân Tiên” ở phương Nam đã đi vào cụ thể các câu đố, ca dao, tục ngữ, dân nhạc lấy cảm hứng từ tác phẩm này.
Với ngôn ngữ bình dân, gần gũi, dễ hiểu khi người dân Nam bộ nhiều đời nay thuộc nằm lòng truyện thơ “Lục Vân Tiên”. Các hình thức “kể thơ”, “nói thơ Vân Tiên”, “hát Vân Tiên” ở Nam bộ và Nam Trung bộ là những hình thức sinh hoạt văn hóa được lưu truyền rộng rãi. Một số tôn giáo đặc trưng ở Nam Kỳ như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Đạo Ông Trần cũng được xem là chịu ảnh hưởng một phần của phong cách truyện thơ “Lục Vân Tiên”.
PGS.TS Vũ Nho chỉ ra chất dân gian trong truyện thơ gồm 2082 câu thơ lục bát của nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu: “Phải nói là trong truyện Lục Vân Tiên tính chất nôm na, dân dã nếu so sánh với Truyện Kiều của Nguyễn Du thì là nghệ thuật thơ lục bát nhuần nhuyễn, đỉnh cao. Với Nguyễn Đình Chiểu thì nghiêng về phong cách dân gian, thơ có yếu tố mộc mạc. Cụ Đồ Chiểu nghiêng về văn học dân gian, thơ Nôm có tính chất bình dị, dân dã và đó là giá trị của Lục Vân Tiên, chưa kể đến rất nhiều câu thơ trong tác phẩm rất sâu sắc.”
Nói về thơ văn Đồ Chiểu, nhà thơ Xuân Diệu ngợi ca: “Ngôn ngữ trong thơ ông “là thứ ngôn ngữ bình dân, chân thực, thông dụng, thực tế, có cái vị thơm, cái hương lành của cây trái Nam Bộ – cái hương vị văn miền Nam”. Giáo sư Lê Trí Viễn nhận định Nguyễn Đình Chiểu vừa là “thầy học giữa làng” vừa là “thầy lang cuối xóm”. Trong ông, có “ba con người trí thức”. Đó là “thầy thuốc, thầy giáo, và nhà thơ”. Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng nhiều câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu không cần gọt giũa mà vẫn nói được nhiều điều đơn giản, thẳng thắn, có khi “còn nguyên thuỷ của người Nam Bộ”. Theo nhà phê bình Lê Xuân – người dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và khám phá vẻ đẹp của văn hóa - văn nghệ dân gian Nam bộ thì sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu gắn liền với vận mệnh đất nước và nhân dân Nam Bộ trong một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng. Thơ văn của ông là hơi thở, là ý tình của người dân Nam Bộ.
Trong gia tài thơ văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, bài thơ “Chạy giặc” là một trong những tác phẩm đầu tiên của văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX. Ông còn viết nhiều bài điếu, tế các thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp như Trương Định, Phan Công Tòng, “Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Khi đề cập đến “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đặt tác phẩm này ngang hàng với “Bình Ngô đại cáo” của Đại thi hào Nguyễn Trãi và cho rằng: “Đây là bài ca về người anh hùng thất thế nhưng mãi hiên ngang trước lịch sử.”
Trước sự kiện UNESCO cùng nước ta kỷ niệm năm sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Chuyên gia văn học trung đại - GS.TS Trần Ngọc Vương (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng đây là một hoạt động “hoàn toàn xứng đáng và có lý”. Bởi qua các tác phẩm của mình, cụ Đồ Chiểu được coi là lá cờ đầu không chỉ của văn học yêu nước ở Nam Bộ và cả đất nước ta. Đồng thời, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng là lá cờ đầu của văn học chống chủ nghĩa thực dân, không chỉ của Việt Nam mà của thế giới. Hơn thế, tác giả của truyện thơ “Lục Vân Tiên”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” còn thể hiện tầm vóc, tư duy của một tác giả tiên phong, đi trước thời đại.
GS TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – là người chịu trách nhiệm trực tiếp xây dựng nội dung hồ sơ đề nghị Unesco công nhận nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân Văn hóa thế giới. Bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu về trước tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từ những năm còn ngồi trên giảng đường Đại học, GS Nguyễn Chí Bền còn có một quãng thời gian gắn bó với mảnh đất Bến Tre, nơi cụ Đồ Chiểu đã sống suốt 26 năm kể từ sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862.
Những tác phẩm thơ văn yêu nước của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngay từ khi mới ra đời đã có tác động sâu sắc tới quảng đại quần chúng. Trải qua bao biến cố thời gian, giá trị thơ văn của cụ Đồ Chiểu luôn được đón nhận và phát triển trong dân gian. GS TS Nguyễn Chí Bền đã có những gợi ý về định hướng chặng đường tiếp theo để lan tỏa di sản thơ văn của cụ Đồ Chiểu: “Vấn đề bây giờ là chúng ta phải làm thế nào để đổi mới cách tư duy, cách đưa các danh nhân văn học vào cuộc sống để trở thành một hành trang đối với con người hôm nay, để làm sao chân dung này được có sức sống trong lịch sử.”
Cùng với Đại thi hào Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nhà giáo Chu Văn An, Chủ tịch Hồ Chí Minh, và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành người Việt Nam thứ 6 được UNESCO kỷ niệm như một danh nhân văn hóa. Đó là niềm tự hào với dân tộc Việt Nam nói chung và người dân ở vùng đất phương Nam nói riêng.