(VOV5) - Khác với bộ tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu”, “Công chúa Đồng Xuân” lại khắc họa một nhân vật nữ chính không “hoàn hảo”.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Từng để lại nhiều dấu ấn với bộ tiểu thuyết lịch sử “Từ Dụ Thái hậu”, gần đây, nhà văn Trần Thùy Mai tiếp tục ra mắt “Công chúa Đồng Xuân”, một bộ tiểu thuyết lịch sử mới.
Sau thành công của “Từ Dụ Thái hậu”, “Công chúa Đồng Xuân” liệu có đem đến cho người đọc một trải nghiệm mới về tiểu thuyết lịch sử?
Không phải là lần đầu tiên nhà văn Trần Thùy Mai “bén duyên” với tiểu thuyết lịch sử. Lần “chạm ngõ” lãnh địa này với tác phẩm “Từ Dụ Thái hậu”, nữ nhà văn xứ Huế đã ngay lập tức để lại dấu ấn trong lòng độc giả cũng như giới chuyên môn khi giành Giải Nhất Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải Sách Hay năm 2020. Cũng chính vì vậy, “Công chúa Đồng Xuân” là một sự tiếp nối, với nhiều kì vọng.
Nhà văn Trần Thùy Mai phát biểu tại buổi tọa đàm về Công chúa Đồng Xuân do NXB Phụ nữ tổ chức tại Phố sách Hà Nội. |
Nhà văn Trần Thùy Mai bộc bạch: “Sau khi viết bộ “Từ Dụ Thái hậu” thì tôi nghĩ sẽ viết một quyển về công chúa Đồng Xuân. “Công chúa Đồng Xuân” trải dài trong hơn ba mươi năm, mà theo những mốc cuộc đời của nàng công chúa thì ta có thể mở dần những mốc trong lịch sử mà lịch sử thời kì đó là lịch sử quân Pháp bắt đầu đánh chiếm nước ta thời kì đầu. Trong thời gian rất dài, người ta vẫn xem triều đình đó phân ra làm hai là phe chủ chiến và phe chủ hòa. Từ trước tới nay, chúng ta thường xem những người chủ chiến là những người tốt còn những người chủ hòa thường là bị phê bình. Nhưng khi mình đọc kĩ những bộ sử thì mình sẽ thấy rằng mỗi người đều có những lí do, suy nghĩ khác nhau.”
Đều viết về nhà Nguyễn ở hai giai đoạn nối tiếp nhau, “Công chúa Đồng Xuân được cho là phần 2 của “Từ Dụ Thái hậu”. Ở tác phẩm này, độc giả tiếp tục bị cuốn vào cốt truyện hấp dẫn với những tranh đấu trong cả hậu cung lẫn chính trường. Tuy nhiên, khác với bộ tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu”, “Công chúa Đồng Xuân” lại khắc họa một nhân vật nữ chính không “hoàn hảo”. Đây cũng là điều khiến nhà văn Hà Thủy Nguyên chú ý: “Điểm đặc biệt khi tôi đọc “Công chúa Đồng xuân” đó là khác với những cuốn tiểu thuyết lịch sử khác ở Việt Nam, nhà văn Trần Thùy Mai lựa chọn một nhân vật không tròn trịa, không xuất chúng mà là một nàng công chúa đài các nhưng cũng có rất nhiều những điều phù phiếm của tất cả những người phụ nữ khác như chúng ta và cũng có những mong mỏi, khát khao khác nhau. Nó rất là khác với hình mẫu của người phụ nữ ở thời kì phong kiến mà chúng ta đã biết: lúc nào cũng phải đoan trang, thùy mị, tam tòng tứ đức. Công chúa Đồng Xuân xuất hiện trong lịch sử dường như không phải là một hình mẫu như thế mà là một công chúa với vết nhơ loạn luân.”
Tiểu thuyết hai tập Công chúa Đồng Xuân của nhà văn Trần Thùy Mai |
Tỉ mỉ, chi tiết với những sự kiện lịch sử có sẵn nhưng nhà văn Trần Thùy Mai vẫn luôn tìm kiếm những “khoảng mờ” để sáng tạo. Với quan điểm “sự thực là bộ khung, còn tưởng tượng là hoa lá”, nữ tác giả đã sử dụng cả vốn kiến thức lẫn trí tưởng tượng của mình để viết về những điều có thể đã xảy ra. Trong “Công chúa Đồng Xuân”, người đọc thấy ở đó câu chuyện về thân phận con người, nhất là thân phận người phụ nữ trong bối cảnh loạn lạc, rối ren, đồng thời cũng có thể tìm hiểu những phong tục, tập quán xa xưa hoặc những sự kiện lịch sử nổi bật.
Theo nhà văn Uông Triều, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trần Thùy Mai đã góp thêm một cánh cửa để hiểu thêm về nhà Nguyễn: “Ngoài sự khác biệt của chính thống, tức là chúng ta đã nhìn nhận về Gia Long, Minh Mạng, về các vấn đề của nhà Nguyễn một cách bình tĩnh thì văn học, tôi nghĩ cũng đang bắt kịp, nghĩa là đã bắt đầu có những tác phẩm về triều Nguyễn. Trong cả dàn đó, tôi nghĩ rằng những bộ tiểu thuyết của Trần Thùy Mai là nặng kí nhất. Bởi vì sao? Dường như các cuốn tiểu thuyết lịch sử từ trước đến giờ thường là đàn ông viết nhiều và thường là chọn các nhân vật anh hùng. Nếu là nữ nhi thì cũng phải lẫm liệt, đầy hào khí bi tráng, sử thi. Những việc ở trong cung cấm, những người bình thường, thậm chí có vấn đề là hầu như chúng ta không được biết đến hoặc là đặt vấn đề rất dè dặt. Trần Thùy Mai thì lại khác. Nhà văn đã đi vào một đề tài triều Nguyễn một cách bình tĩnh. Qua những tiểu thuyết như thế này, ta nhìn nhận vấn đề nhiều chiều và đa dạng hơn.”
Là một người Huế, gắn bó với cố đô và có sự am hiểu về phong tục, tập quán, lời ăn, tiếng nói, nhà văn Trần Thùy Mai có những ưu thế rõ ràng khi viết triều Nguyễn. Cùng với tài năng văn chương, bà đã “đặt stent vào bộ khung lịch sử”, khiến lịch sử trở nên sống động như cách nói của nhà sử học Lê Văn Lan: “Trần Thùy Mai có một cái kim rất là huyền diệu, có thể nó có màu rất sáng, có thể nó có chiều kích rất nhỏ, mảnh mai nhưng rất kì lạ là nó mềm mại, nó uyển chuyển và nó mang theo được một sợi chỉ. Sợi chỉ có thể mong manh nhưng có thể cũng rất dai bền. Và đi kèm với cái kim như thế thì Trần Thùy Mai lùa cái kim thần diệu đó, cái sợi chỉ đó không chỉ vào tĩnh mạch mà chị đã lùa vào cả động mạch, cả tĩnh mạch, thậm chí cả huyết quản, thậm chí cả gan, ruột, tim, óc, xương cốt, thịt da của một cơ thể. Cơ thể đó xin được gọi là lịch sử. Và chị đem cái kim, cái sợi chỉ đó thêu, khâu, vá, dệt trên giấy. Và thế là chúng ta có hai tập “Công chúa Đồng Xuân”.
Rất đông độc giả tới dự buổi giới thiệu về bộ tiếu thuyết mới của nhà văn Trần Thùy Mai tại Phố sách Hà Nội. |
Sinh động, tỉ mỉ, hấp dẫn – đó là những gì nhà văn Trần Thùy Mai tiếp tục đem đến cho độc giả với bộ tiểu thuyết lịch sử “Công chúa Đồng Xuân”. Thậm chí, ở một mức độ nào đó, có thể cho rằng bà đã thoát khỏi những ám ảnh về “bộ khung lịch sử” để lật lại một vụ án tai tiếng, đồng thời đưa ra diễn giải của cá nhân mình. Đó cũng là một sự vượt thoát của người viết trong lãnh địa của tiểu thuyết lịch sử, vốn nhiều gian nan và thử thách.
“Công chúa Đồng Xuân” là bộ tiểu thuyết 2 tập, tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động từ năm 1859 đến năm 1900. Nhân vật chính là Đồng Xuân công chúa (tức công chúa Gia Phúc), con gái của vua Thiệu Trị. Tên tuổi của bà gắn liền với vụ “hòa gian” tai tiếng với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ. Đây là một trong những nghi án lớn nhất triều Nguyễn mà nhiều người cho rằng còn che giấu nhiều điểm khuất tất.