Trăng đất Việt – sự kết hợp hài hòa giữa nhiều hình thức nghệ thuật

(VOV5) - Không gian sông nước êm ả, ánh trăng huyền ảo cùng kết hợp với tiếng động chân thực của đời sống, âm nhạc như ru dắt tâm hồn người xem.

Mong muốn trong một chương trình, có thể đưa tới cho khán giả những nét độc đáo nhất của văn hóa từng vùng miền, có lẽ không phải là ý tưởng mới mẻ. Nhưng làm cho hay, hấp dẫn, độc đáo, khác lạ với những chương trình từng có trước đó, lại là điều thử thách mà những nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam đã thực hiện được.

Mô tả sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa đa dạng, độc đáo của Việt Nam từ đồng bằng châu thổ sông Hồng với những điệu Chèo, điệu chầu văn, xẩm… rồi tới hò Huế miền Trung, những câu ca cải lương tài tử ngọt ngào miền Nam… hay những vũ khúc cuồng nhiệt của đồng bào Tây Nguyên, điệu múa Chăm duyên dáng… đã đem tới sự phong phú hấp dẫn cho chương trình.

Trăng đất Việt – sự kết hợp hài hòa giữa nhiều hình thức nghệ thuật - ảnh 1Cảnh trong vở Trăng đất Việt của Nhà hát múa rối Việt Nam - Ảnh: Hà An

NSND Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát đồng thời cũng là đạo diễn chương trình tâm sự về ý tưởng này: "Như kinh nghiệm của tôi trong những lần đi nước ngoài thì tôi thấy, chỉ trong một tiếng thôi, mình được xem múa, xem âm nhạc xem diễn của họ gói gọn trong một chương trình thì đỡ phải là muốn xem múa thì phải đến đây, muốn xem ca nhạc thì phải đến đây… Khi đưa ra dự án của chương trình này thì thú thật, khai thác nét tiêu biểu của văn hóa Bắc Trung Nam không phải mới mẻ. Nhưng tôi nghĩ, góc nhìn dưới trăng nó sẽ lạ hơn. Và góc nhìn của nghệ sĩ múa rối nó cũng độc đáo hơn, so với các sân khấu khác bởi mỗi sân khấu đều có tiếng nói riêng."

Đúng như ý kiến của ông, ngôn ngữ nghệ thuật, cách thể hiện riêng của rối đậm đà, độc đáo đã thuyết phục được người xem. Sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa diễn viên, ca sỹ… với những con rối cạn, rối nước đem tới sự hứng khởi riêng, không khí đặc biệt cho chương trình.

Ấn tượng giàu tính nghệ thuật nhờ vào mô tả không gian sông nước êm ả, ánh trăng huyền ảo cùng kết hợp với tiếng động chân thực của đời sống, âm nhạc như ru dắt tâm hồn người xem. Các nghệ sĩ cũng đã đầu tư thật nhiều công sức, tâm huyết để đem tới một đêm diễn thành công. Nghệ sĩ Kiều Linh chia sẻ: "Vì bọn mình trước đây chỉ chuyên diễn cho rối nước, thiên về truyền thống nhiều cho nên việc được tiếp cận với nền âm nhạc khác ví dụ cũng là dân gian nhưng dân gian đương đại, rồi nhạc mới nhạc biến tấu thì với bản thân đội nhạc đây là trải nghiệm quý vì sự liên kết giữa âm nhạc và múa rối là gắn kết, hòa quyện."

Đạo diễn, NSND Tiến Dũng rất giàu kinh nghiệm để tạo những dấu ấn riêng, cao trào riêng cho từng màn, từng cảnh, đem lại nét thú vị cho "Trăng đất Việt". Đạo diễn kết hợp tài tình giữa ca múa nhạc với rối cạn, rối nước - múa rối có khi là chất liệu minh họa, có khi chuyển tải câu chuyện độc lập.

Trăng đất Việt – sự kết hợp hài hòa giữa nhiều hình thức nghệ thuật - ảnh 2Một cảnh trong vở Trăng đất Việt

Người xem thích thú khi nghe tiếng nước chảy theo nhạc điệu từ guồng nước được các nghệ sĩ điều khiển sau tấm mành tre hay hình ảnh hai thiếu nữ mặc yếm đào thả trôi và thảnh thơi chơi đàn bầu, đàn tranh trên mặt nước; Ấn tượng là vũ khúc con cò gợi dáng vẻ thân thương của người nông dân cùng không ít nỗi niềm, lòng trắc ẩn nhờ vào nghệ thuật rối tay ở cả trên cạn - dưới nước và khéo léo xếp đặt, tạo hình con cò một cách ăn ý khi thì bằng chính cơ thể của mình, khi thì bằng tấm áo tơi hay chiếc nón lá trắng thân thương...

Sự kết hợp ăn ý này là dụng ý lớn của đạo diễn, nhằm níu kéo ghi dấu ấn trong người thưởng thức, như phát biểu của chính đạo diễn: "Cái đích đến cuối cùng vẫn là khán giả, miễn làm sao để khán giả đến xem, vừa lòng chứ không phải là chương trình mang tính học thuật cao. Nhưng dù phục vụ đối tượng nào thì chất lượng vẫn phải là chất lượng nghệ thuật của nhà hát chuyên nghiệp. Và chúng tôi làm thì hiệu ứng với khán giả chúng tôi thấy là sau đêm diễn, họ lưu lại rất lâu quanh hồ nước khi nghệ sĩ ra chào. Điều đó chứng tỏ chúng tôi đã giữ chân được khán giả" - Đạo diễn Tiến Dũng nói.

Khán giả rất hồ hởi với đêm diễn. Các khán giả lớn tuổi còn không ngờ múa rối ngày nay hấp dẫn như vậy:"  Lần đầu tiên tôi đi xem, mặc dù năm nay tôi đã 80 tuổi. Tôi thấy rất hấp dẫn, chứng tỏ đầu tư rất nhiều. Kết hợp giữa ánh sáng, âm nhạc, âm thanh, múa, rồi điều khiển con rối rất hay.

"Nói chung là ánh trăng thì ai cũng thích, mà trăng thì đẹp sân khấu thì hiện đại."

"Lần đầu tiên tiếp cận múa rối thì cực kỳ hấp dẫn, thật ý nghĩa. Nội dung thể hiện cả trên cạn và dưới nước… thật tuyệt vời"

Mong rằng, chương trình sẽ được đến với nhiều người xem hơn nữa khi dịch bệnh Covid sớm được kiểm soát.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác