Truyện Kiều – cuộc chu du đến những miền đất mới

(VOV5) -  Tính đến thời điểm này Truyện Kiều đã trải qua 14 thập kỷ dịch và tiếp nhận, được dịch ra 20 ngôn ngữ, với 75 bản dịch.

Nhân kỉ niệm 200 năm mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820 – 2020), vừa qua, Viện Văn học đã tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Nguyễn Du – Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương nghệ thuật”.

Hội thảo đã nhận được gần 30 tham luận của các dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Nhiều vấn đề liên quan đến dịch thuật, tiếp nhận và nghiên cứu Truyện Kiều ở góc độ liên văn bản được trình bày, gợi mở những hướng nghiên cứu tiếp theo về kiệt tác này của nền văn học Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:

 

Truyện Kiều – cuộc chu du đến những miền đất mới - ảnh 1Quang cảnh hội thảo. - Ảnh: Nguyễn Thanh Tâm.

Theo con số thống kê của thạc sỹ Nguyễn Thị Sông Hương (Nhà xuất bản Ehess, thuộc Trường nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội, Paris, Cộng hòa Pháp), tính đến thời điểm này Truyện Kiều đã trải qua 14 thập kỷ dịch và tiếp nhận, được dịch ra 20 ngôn ngữ, với 75 bản dịch. Ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất là tiếng Anh (18 bản), tiếp đó là tiếng Pháp (12 bản), tiếng Trung (11 bản), tiếng Nhật (5 bản), tiếng Nga (3 bản).

Ngoài ra còn có bản dịch tiếng Ba Lan, tiếng Hàn quốc, tiếng Hungary và nhiều ngôn ngữ khác. Con số thống kê này hơi khác với PGS TS Đoàn Lê Giang (trường Đại học KHXH và NV TP HCM), khi ông cho rằng Truyện Kiều đã được dịch ra 21 thứ tiếng với 73 bản dịch. Sự khác nhau này cũng là điều bình thường trong nghiên cứu. Tuy nhiên có thể khẳng định trong nền văn học dân tộc, Truyện Kiều giữ kỷ lục về các bản dịch ra tiếng nước ngoài.

Truyện Kiều – cuộc chu du đến những miền đất mới - ảnh 2TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học phát biểu đề dẫn hội thảo. - Ảnh: Nguyễn Thanh Tâm.

 Ở thế kỷ 20 và những thập niên đầu của thế kỷ 21, theo quá trình hội nhập quốc tế, Truyện Kiều đã đặt chân đến nhiều quốc gia châu Âu, châu Á. Các bản dịch từ nhiều nguồn khác nhau, dịch từ chữ quốc ngữ, cũng có khi dịch từ ngôn ngữ trung gian như tiếng Pháp, tiếng Anh.

Chất lượng các bản dịch cũng khác nhau, sai sót là không tránh khỏi, bởi sự khác biệt về văn hóa, về ngôn ngữ, về thời đại, đặc biệt hơn nữa khi Truyện Kiều lại thuộc thể lục bát rất đặc trưng của thơ và nhịp điệu tiếng Việt. Một trong những bản dịch được TS Đoàn Lê Giang đánh giá cao là bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Nhật do nhà văn – dịch giả nổi tiếng Komatsu Kyioshi thực hiện năm 1942 từ bản tiếng Pháp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Theo nghiên cứu tư liệu của TS Đoàn Lê Giang, Komatsu Kyioshi từng du học Pháp, là dịch giả văn học Pháp. Trong một lần đến Việt Nam, ông tới nhà người bạn là Nguyễn Giang - con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Giang nói với Komatsu rằng muốn hiểu về văn học Việt Nam phải đọc Kiều. Ông Nguyễn Giang đưa cho ông cuốn Truyện Kiều bản dịch tiếng Pháp của cha mình. Ông đọc và say mê vô cùng, bắt tay vào dịch ngay. Khi Truyện Kiều được dịch ra tiếng Nhật, người Nhật rất yêu thích. Một năm sau tác phẩm  tái bản. Năm 1948 tái bản thêm một lần nữa. Có thể nói đây là bản dịch được dịch và được tái bản trong thời gian rất ngắn, mặc dù dịch từ tiếng Pháp nhưng văn chương tao nhã đẹp đẽ. Komatsu cũng khẳng định muốn hiểu được tâm hồn An Nam thì phải đọc tác phẩm này.

Trở lại một chút với bản dịch truyện Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh. Trước đó, Truyện Kiều đã được dịch sang tiếng Pháp bởi các dịch giả Pháp. Ông Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Đây là một bản dịch rất giá trị, được tái bản nhiều lần trong nước. Bản dịch này sau đó được nhiều dịch giả lựa chọn để chuyển ngữ Truyện Kiều, như trường hợp của nhà văn Nhật bản Komatsu Kyioshi ta vừa nhắc đến, hay nhà văn Rumani Radu Boureanu, Nhà xuất bản văn học Thế giới của Rumani ấn hành năm 1967.

Có một chi tiết đáng chú ý là trong số những tác phẩm dịch của nhà văn Boureanu, Truyện Kiều là tác phẩm văn học Châu Á duy nhất, cũng là tác phẩm truyện thơ dài hơi nhất. Rumani cũng là một trong số ít nước Đông Âu đầu tiên dịch Truyện Kiều (ví như Tiệp Khắc dịch năm 1957 và Đông Đức dịch năm 1964). PGS TS Nguyễn Văn Dân cho biết, nhà văn Boureanu đã dịch Truyện Kiều sang thể thơ Alexandrin 12 chân, một thể thơ phổ biến của phương Tây. Bản dịch được đánh giá là kỹ càng, với ngôn từ giàu cảm xúc, cho thấy tình cảm, sự am hiểu và trân trọng của dịch giả dành cho Truyện Kiều và đất nước Việt Nam.

PGS TS Nguyễn Văn Dân cũng lưu ý rằng: “Truyện Kiều là một tác phẩm thơ hàm xúc với nhiều điển tích, điển cố, ngạn ngữ, tục ngữ. Khi dịch sang ngôn ngữ châu Âu, các dịch giả đã biến thành thơ giải thích, mọi điển tích điển cố đều được diễn giải bằng những câu thơ. Việc dịch thơ được diễn giải có ưu điểm là người đọc hiểu được ngay nội dung tác phẩm mà không cần phải tra cứu, song nó lại làm mất đi những hình tượng nghệ thuật phong phú của ngôn ngữ thơ ca Việt. Những điển tích không thể chuyển ngữ được có thể lý giải bằng hàng rào ngôn ngữ và văn hóa, nhưng những ngạn ngữ tục ngữ mất đi là một điều đáng tiếc”.

Có thể nói, việc dịch Truyện Kiều sang ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba phần nhiều do các dịch giả nước ngoài đảm nhiệm, hoặc giúp hiệu đính. Song ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám, những trí thức, học giả của nước ta đã nhận thức sâu sắc về công việc này, và thực hiện hoàn toàn tự nguyện, với tình yêu, niềm tự hào. Sau bản dịch của học giả Nguyễn Văn Vĩnh còn có bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp của giáo sư – viện sỹ Nguyễn Khắc Viện (năm 1965), bản dịch của Lê Cao Phán (1994), của Lưu Hoài (1999). Một số trí thức từng du học nước ngoài, thành thạo ngôn ngữ bản địa cũng góp phần không nhỏ vào việc dịch Truyện Kiều.

Có thể kể đến bản dịch sang tiếng Hungary của PGS – TS Trương Đăng Dung, bản dịch sang tiếng Nga của dịch giả Vũ Thế Khôi, bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha của dịch giả Nguyễn Mạnh Tứ, cùng sự giúp đỡ hiệu đính của các dịch giả nước bạn.

Dịch giả Giáp Văn Chung hiện đang sống và làm việc tại Hungary khẳng định: “Từ khi Truyện Kiều được dịch ra các ngôn ngữ khác, ban đầu là tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, Nhật, Nga… rồi nhiều thứ tiếng khác, nó đã trở thành một thứ “căn cước văn hóa”, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt ra khắp năm châu, để thế giới biết tới Việt Nam không chỉ qua những cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu, mà còn biết tới chúng ta như một nền văn hóa độc đáo, rực rỡ và có bản sắc riêng”.

Truyện Kiều – cuộc chu du đến những miền đất mới - ảnh 3 PGS TS Trương Đăng Dung - người dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary

Bản thân PGS TS Trương Đăng Dung cũng không thể ngờ công trình dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary của mình lại được đón nhận nồng nhiệt và ấm áp như vậy. Công trình này cũng là một phần ân nghĩa ông dành cho quê hương, sau những năm du học miệt mài.

Như vậy, trong kho tàng văn học dân tộc, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được biết đến rộng rãi nhất, chu du đến nhiều quốc gia nhất. Một điều đặc biệt thú vị là chính tác phẩm này lại truyền cảm hứng cho những người sáng tác, thực hành và thưởng thức nghệ thuật, tạo thành chuỗi liên văn bản, không chỉ trong thơ, trong văn mà còn trong nhiều loại hình khác, đậm nét ở hội họa, điêu khắc, âm nhạc, ca dao dân ca, sân khấu biểu diễn, điện ảnh, và gần đây là múa ba lê… Việc liên văn bản văn chương nghệ thuật này là một phạm trù khá rộng, còn để mở cho người nghiên cứu tiếp tục quan sát, luận bàn, lý giải.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc liên văn bản cũng thành công, bởi mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ thể hiện riêng. Đây cũng là điều PGS TS Trịnh Bá Đĩnh ít nhiều băn khoăn: “Việc chuyển thể rất phức tạp. Nói chung công việc dịch thuật hoặc chuyển thể các tác phẩm lớn bao giờ cũng rất khó. Ví như hôm vừa rồi tôi đi xem vở ba lê. Ba lê là thể loại hình thể chuyển động, là ký hiệu học thân thể. Những cảnh như “ngày xuân con én đưa thoi”, những cảnh hội hè mùa xuân, cảnh Từ Hải thắng trận, ba lê diễn tuyệt vời, rất hay. Thế nhưng nền tảng của Truyện Kiều, cái hay cái sâu sắc không phải ở những hành động. Đó là cảnh tĩnh “một mình lặng ngắm bóng nga/ rộn đường gần với nỗi xa vời vời”, rồi  “một mình lưỡng lự canh chày/ đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Toàn một mình và toàn nghĩ ngợi thôi. Cái tĩnh là nền tảng của Truyện Kiều, còn những cái động chỉ là những cái giằng nối. Nhìn chung là để chuyển thể, để liên văn bản, đó là những vấn đề rất phức tạp”

Ở một hội thảo khoa học tầm quốc gia, thời gian một buổi sáng cho việc trình bày tham luận và trao đổi nghiên cứu là hạn hẹp. Song những gì mà hội thảo đã chạm đến hoặc xới lên sẽ là khởi nguồn của những nghiên cứu tiếp theo, bởi liên văn bản luôn là câu chuyện dài với những tiếp nối có thể liền mạch hay đứt đoạn.

TS Phạm Văn Ánh – Phó Viện trưởng Viện Văn học tin tưởng ở hướng đi mà hội thảo đã đặt ra: “Đây là dịp để các tác giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cung cấp thông tin cũng như công bố các kết quả nghiên cứu mới của mình về Nguyễn Du và Truyện Kiều, trong đó có những trọng điểm quan trọng, ví dụ như vấn đề phiên dịch Truyện Kiều qua các ngôn ngữ khác nhau, vấn đề tiếp nhận diễn giải truyện Kiều qua các bối cảnh văn hóa gắn với những thời điểm của lịch sử của thời đại, vấn đề chuyển thể Truyện Kiều, tiếp nhận tái tạo Truyện Kiều qua các loại hình nghệ thuật, từ các loại hình nghệ thuật truyền thống đến nghệ thuật biểu diễn đương đại.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều các quý vị học giả trong và ngoài nước, không khí thảo luận cũng rất sôi nổi, bởi chủ đề của hội thảo được ban tổ chức rất đắn đo lựa chọn, để làm sao hội thảo có những tìm tòi, những hướng nghiên cứu mới mẻ thú vị. Bởi chúng ta cũng biết là vấn đề nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã được tiến hành ở rất nhiều góc độ rồi. Cho nên lựa chọn một chủ điểm nào để thật là cuốn hút, thật là ý nghĩa thì đấy là điều mà ban tổ chức rất băn khoăn. Chúng tôi rất hài lòng bởi các báo cáo đều rất sát với chủ đề hội thảo, rất công phu tâm huyết”

“Đi thật xa để trở về ” – câu hát mà các bạn trẻ hôm nay hay nhắc đến cũng rất phù hợp để nói về Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Mỗi một lần đặt chân đến vùng đất mới là thêm một lần Truyện Kiều được trở về trong lòng dân tộc, trong tình yêu và sự tự hào của người dân đất Việt. Chẳng vậy mà gần một thế kỷ trước, học giả Phạm Quỳnh đã nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn”…

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác