Ý nghĩa biểu đạt của các con số trong Truyện Kiều

(VOV5) - Con số trong Truyện Kiều hầu hết mang tính ước lệ, tượng trưng.

Kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du có tới 411 câu thơ sử dụng các con số. Đâu là ý nghĩa biểu đạt ước lệ của các con số đó? Cách sử dụng con số của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” đã được nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn phân tích kỹ lưỡng với nhiều kiến giải khoa học, mới mẻ. 

Nghe âm thanh bài viết qua giọng đọc PTV Hùng Sơn:

 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn chia sẻ, ngày nay, rất nhiều chú giải trong sách giáo khoa hay một số ấn bản giải thích sai hoặc không đầy đủ, chính xác về từ ngữ hay con số trong truyện Kiều, khiến có nhiều hiểu lầm văn bản.

Ý nghĩa biểu đạt của các con số trong Truyện Kiều - ảnh 1 Hình ảnh ông bà Vương Viên Ngoại trong cuốn Kiều Kinh bản in 1898 được in lại trong một cuốn sách khác. - Ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn

Dựa trên lịch sử và những căn cứ khoa học với những tri thức về con số của nhân loại trong thời đại mà đại thi hào Nguyễn Du đã sống, nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn cho biết, về con số biểu tượng và con số ước lệ trong quá trình nhận thức của nhân loại, thì: “Giới hạn của cảm giác, trực quan về số của con người trong một cái liếc mắt nhanh và con vật không quá 4, đặc biệt trong bối cảnh cổ trung đại, sẽ không có sự chính xác tuyệt đối về số lượng. Đây chính là cơ sở tạo nên những con số ước lệ trong thơ ca nói chung và Truyện Kiều nói riêng. Các nhà nghiên cứu về số học khẳng định quá trình đếm đầu tiên của con người thì số 1 và 2 là những con số được phát minh đầu tiên. Vì khi khảo sát các bộ lạc châu Phi, Nam Mỹ, người ta vẫn chỉ biết 1 đơn vị và 1 cặp chứ không phải là số 2. Khi diễn đạt số 3, bí quá người ta nói nhiều như mái tóc trên đầu.

Dấu ấn đó đã thể hiện trong quá trình phát triển ngôn ngữ của thế giới, trong rất nhiều ngôn ngữ. Đơn cử hai ngôn ngữ: người Trung Quốc viết một cái cây là chữ "mộc", hai cây là "lâm" là rừng, và để mô tả khu rừng rậm người ta dùng số 3, tức là ba chữ "mộc" biến thành; hay trong tiếng Anh three nghĩa là 3 hoặc nhiều, nhưng tất cả những từ một đám hay vượt ra ngoài cũng đều có chung từ nguyên. Số 3 đã được coi là số nhiều trong quá trình nhận thức của nhân loại như vậy.." - Ông Trần Đình Tuấn nói.

Tính chất quan niệm về con số trong dân gian Việt Nam, số ước lệ hay số biểu tượng không tránh khỏi nhận thức chung của nhân loại nhưng cũng có đặc điểm riêng, mà thể hiện rất rõ trong các thành ngữ tục ngữ và sử dụng trong truyện Kiều.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn cho biết: "Trong quá trình nhận thức số 3 là số nhiều, tất cả các nền văn minh thế giới đều nhận thấy số 3 có mặt trong tất cả mọi sự vật. hiện tượng. Có một quy luật phân 3, tức là tất cả đều tất yếu diễn ra như là 3, mà 3 cũng lại chỉ là 1, trong mọi hành vi tự chính nó rõ ràng đều có thể phân biệt được - đó là nhận định của phái Tabale của đạo Do Thái. Hay nhà toán học Pitagore cũng nhận thức quy luật phân 3: 3 thay cho đầu, giữa và cuối.

Để diễn giải thuộc tính tam nhất này, có thể hiểu là một bài văn sẽ có 3 yếu tố: mở bài, thân bài, kết luận. Hay một giai đoạn người ta chia thành giai đoạn đầu, giai đoạn giữa, và giai đoạn cuối . Dân gian Việt Nam ví dụ thành ngữ về một ngày lao động vất vả mà người ta chia làm 3: "một nắng hai sương" - sương sớm, nắng ban ngày và sương chiều muộn.  Trong sự sáng tạo, bao giờ cũng có cấu tạo là người sáng tạo, hành vi sáng tạo và vật phẩm được sáng tạo. Tóm lại trong nhận thực về con số, miền quan sát thấy và được cảm nhận trực quan là từ số 1 đến số 4, trong khi đó số 3 là mở đầu cho số nhiều. Vì vậy, số 3 số 4 là số nhiều và số 1 số 2 trong tương quan đó là số ít."

Kết hợp với quá trình nghiên cứu và phân tích, nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn cho rằng, con số trong Truyện Kiều hầu hết mang tính ước lệ, tượng trưng. Tính ước lệ này được chia thành nhiều hệ thống nói số và sẽ ứng với một cách biểu đạt khác nhau: "Trong quan niệm này chúng ta hiểu số 1 số 2 là số ít, là sự thiếu, chưa đủ, vì chưa đạt được 3. 3 tượng trưng cho một sự vật hoàn hảo đầy đủ. Số 3 là nhiều, và một số nghĩa khác nữa là mãn, là đầy đủ. Số 5 là số trung tâm, căn bản và số 9 ngoài chức năng biểu diễn số lượng và số thứ tự thì trong định nghĩa tiếng Việt còn là rất nhiều và vô vàn. Và số 10 được định nghĩa là đủ hết, hoàn toàn hay toàn vẹn.

Ở thuộc tính tam nhất trong những thành ngữ, khẩu ngữ, ví dụ kỹ thuật làm lòng, các cụ diễn giả muốn cho lòng ngon thì cứ làm "ba sôi hai lạnh" Ba sôi chỉ là sôi kỹ, nhưng phải dùng số 3 để đánh vào trực quan  con người là sôi kỹ thì 3 lần lên là đủ,  là rất kỹ rồi. Người ta dùng tượng số 3 trở thành hình ảnh của một sự việc, sự vật một hiện tượng. Trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có "ba lửa nồng", chúng ta có thể hiểu tương tự "ba sôi". Hay "ba chữ tài" trong "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài", chúng ta có thể hiểu đó là thực tài vv..."

Tại sao đại thi hào Nguyễn Du lại thường hay sử dụng con số ba như vậy, nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn giải thích: "Những mẫu câu mà số 3 mà gắn cho sự đầy đủ thì có rất nhiều trong truyện Kiều, ví dụ "ngoài nghìn dặm cách ba đông", hay "ba thu dọn lại một ngày dài ghê", "liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân", "dấm chua lại tội bằng 3 lửa nồng" "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài".. Tại sao Nguyễn Du luôn luôn dùng số 3 như vậy? Tôi vừa phân tích: "ba lửa nồng" mới là lửa thực sự nồng, "ba chữ tài" mới là "thực sự tài" còn "quyết đền ba xuân" là "cả mùa xuân" hay là "những mùa xuân", vì số 3 là là số nhiều"

Lấy một ví dụ cụ thể câu thơ: “Ngoài nghìn dặm chốc ba đông”, ông giải thích “ba” là một con số ước lệ, mang nghĩa “quá nhiều”. “Ba đông” vừa ám chỉ sự xa cách muôn trùng, vừa thể hiện nỗi nhớ mong mòn mỏi. Theo văn hóa Việt Nam có quy luật “xuân sinh, hạ trưởng, thu tàn và đông tàng” (là đông ấp ủ, thu mình lại), trong thực tế mùa đông xưa là cách trở, khó khăn đi lại và rét mướt. “Ba đông” như thế nghĩa là thời gian quá nhanh, khoảng cách quá xa và nỗi sầu muộn chứa chất đỉnh điểm”.

Bằng những lý giải thú vị, chân thực đặc biệt là bám sát vào hoàn cảnh sử dụng con số ước lệ, Trần Đình Tuấn đã chạm tới những khía cạnh sâu nhất trong ý nghĩa biểu đạt của con số trong Truyện Kiều. Là tác giả, đồng tác giả và chủ biên của nhiều tác phẩm nghiên cứu về truyện Kiều, trong đó có Truyện Kiều bản UNESCO, NXB Lao động; Truyện Kiều dưới góc nhìn con số và thành ngữ số dân gian, NXB Thanh Hoá ; Bói Kiều, NXB Văn hoá dân tộc vv… , nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn cho rằng, khi đặt đúng từ ngữ mà Nguyễn Du đã sử dụng trong một quá trình lịch sử, một chiều sâu văn hóa, thì có thể hiểu đúng và trúng hơn cách thức đại thi hào đã sử dụng tiếng Việt tài tình đến mức độ nào.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác