(VOV5) - “Tương lai của Truyền thống” là dự án do một nhóm nghệ sỹ trẻ sáng lập và điều hành với mong muốn gìn giữ và phát triển những giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Buổi trưng bày “ Mở xưởng, đừng đứng” tổ chức ở Hà Nội mới đây, giới thiệu 10 tác phẩm nghệ thuật ở nhiều thể loại: hội họa, video sắp đặt, âm nhạc thể nghiệm, múa... nhằm kết nối các nghệ sỹ trẻ làm việc trong các lĩnh vực nghệ thuật để cùng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “ Truyền thống có đứng yên?”.
Nghệ sĩ Đỗ Xuân Sơn (ở giữa) |
Các bạn ấy là những nghệ sỹ rất tiềm năng, đồng thời cái nhìn của các bạn ấy đối với truyền thống rất cởi mở. Và đó chính là tương lai. Truyền thống là cái không bao giờ đứng yên một chỗ. Truyền thống, đã có hàng ngàn năm để đi đến tận bây giờ và có quá trình vận động liên tục, thay đổi để phù hợp với đời sống đương đại.
Lễ khai mạc Mở xưởng Đừng đứng |
Đó là chia sẻ của nhạc sỹ Đỗ Xuân Sơn, cố vấn chuyên môn của dự án Tương lai của Truyền thống. Đỗ Xuân Sơn là người đam mê với âm nhạc thử nghiệm. Anh cho rằng truyền thống không phải chỉ là bảo tồn mà lấy cái cũ để phát triển thành cái mới, sáng tạo sao cho phù hợp với cuộc sống đương đại. Theo anh Sơn, hiện nay các bạn trẻ đều đang rất nỗ lực để tái định nghĩa khái niệm truyền thống bằng những hoạt động cụ thể và đã đem lại nhiều điều mới mẻ thông qua các hoạt động này.
|
Ở một khía cạnh khác, Ngô Thu Hương là nghệ sỹ trẻ đã có 6 năm theo đuổi đam mê hội họa, từng tham gia các triển lãm trong nước và nước ngoài. Trong tác phẩm “Những mẩu đối thoại” tham dự trưng bày “Mở xưởng, đừng đứng”, chị đã sử dụng chất liệu truyền thống là lụa với những câu thoại nằm trong các tác phẩm thời chiến, kết hợp với các trích đoạn trong vở chèo truyền thống là Quan Âm Thị Kính. Chị đã rất thành công, từ việc kiến tạo không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, đến việc tác phẩm đặt ra câu hỏi về hạnh phúc qua cái nhìn của phụ nữ từng thời kỳ: "Cái nhìn của mình về phụ nữ truyền thống nó cũng thay đổi khá là nhiều. Trước mình nhìn truyền thống như là một cái bó hẹp, cố định nhưng mình cảm thấy là mình có thể chơi với chất liệu truyền thống, cải biên nó thành một cái gì đó mà trong đó có tính chất cá nhân của mình, xen lẫn với những tính chất truyền thống trước đó. Một số cái mình có thể giữ lại, một số cái mình có thể cải tiến nó".
Sử dụng những giai điệu cải lương cũ và kỹ thuật của trường phái tối giản, nghệ sỹ Tuấn Nị, đang theo học ngành sáng tác âm nhạc, thì lại tạo ra một tác phẩm cải lương hiện đại, gọi là cải lương tối giản, với mong muốn dự đoán tương lai của cải lương.
Tuấn Nị khẳng định: "Tôi thì làm một cái cải lương đương đại, cải lương mới. Thì mình kết hợp những cái chủ nghĩa hiện đại và những cái kỹ thuật của cải lương cũ, dự đoán tương lai của cải lương thế nào. Cải lương cũ là một điệu nhạc khoảng 5 giây thôi, là một giai điệu chơi bằng khí nhạc, không có lời hát. Nhưng mà việc lặp đi lặp lại một giai điệu và chỉnh cái lệch pha của nó lại tạo ra một bài cải lương hoàn toàn mới".
Là chủ nhiệm dự án Tương lai của Truyền thống và cũng là người rất đam mê phát triển nghệ thuật, bà Hà Thúy Hằng cho rằng chỉ những người có tình yêu sâu đậm với nghệ thuật truyền thống thì mới có thể phát triển, sáng tạo tác phẩm trên cơ sở nghệ thuật truyền thống và nâng tầm nghệ thuật truyền thống ở một tầng bậc cao hơn.
Tôi muốn phát huy, nâng tầm và phát triển những giá trị của truyền thống. Chỉ khi mà mình nắm được truyền thống, cái cội rễ nó là cái gì, hay là văn hóa bản địa nó là cái gì, hay là căn tính của mình như thế nào, thì mình mới phát triển được, sáng tạo được. Giống như là khi mình có tình yêu với nghệ thuật truyền thống thì mình mới bắt đầu nuôi dưỡng nó, phát triển nó và sáng tạo từ nó.
Nghệ thuật truyền thống Việt Nam đang mang sức sống mới nhờ có những nghệ sỹ trẻ vẫn đang nỗ lực ngày đêm phát triển và sáng tạo những loại hình nghệ thuật đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Điều đó cho thấy truyền thống không hề đứng yên, luôn vận động và phát triển theo sự phát triển của con người và đời sống đương đại.