Văn hóa Việt: hình ảnh địa ngục trong tâm thức người Việt

(VOV5) - "Đây là một cuốn sách tư liệu dù ngắn nhưng có thể bổ sung cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn về đời sống xã hội, chính trị cũng như đời sống tinh thần tâm linh Việt Nam đầu thế kỷ 20"

Buổi tọa đàm Địa ngục trong tâm thức người Việt diễn ra vào 26/08 tại Hà Nội do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace và Nhã Nam tổ chức, nhân dịp ra mắt bản dịch tác phẩm Các tầng địa ngục theo Phật giáo của hai tác giả người Pháp: Léon Riotor  và G.Leofanti, của dịch giả Phạm Văn Tuân.

Văn hóa Việt: hình ảnh địa ngục trong tâm thức người Việt - ảnh 1 Các diễn giả tại buổi tọa đàm. - Ảnh: Thu Hồng

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam, tiến sĩ Trần Trọng Dương là người đã có rất nhiều năm nghiên cứu về Phật giáo. Bởi vậy, khi đọc cuốn Các tầng địa ngục theo Phật giáo, đối với ông là một cơ hội nhìn nhận, nghiền ngẫm lại những hiểu biết của mình về một trầm trích văn hóa đặc biệt: "Hai chục năm điền dã ở nhiều chùa trên khắp các nơi ở miền Bắc cũng như miền Nam, tôi đã gặp được rất nhiều hình tượng nghệ thuật, những tác phẩm nghệ thuật khác nhau của Phật giáo Việt Nam liên quan đến địa ngục. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi được nhìn thấy những điêu khắc như vậy, tức là vô vàn các kiểu trừng phạt rùng rợn khác nhau. Nó được thể hiện ra nếu chỉ qua lời thuyết giảng nghe sẽ bình thường thôi, vì chỉ là văn bản, nhưng mà những tầng địa ngục trùng trùng lớp lớp từ kinh sách từ lời nói hiển hiện qua các loại hình nghệ thuật bằng các phương thức tạo hình khác nhau, các nghệ thuật, đồ họa rồi tranh vẽ mầu… thì khác!
Những tác phẩm nghệ thuật như thế, tôi gọi như một cuộc sắp đặt nghệ thuật sống động ngay tại những không gian linh thiêng. Nó làm cho những người đi chùa, những người đang muốn hướng đến thanh tịnh, không hiểu là mình mình đi đến cõi nát bàn hay đang ở dưới địa ngục. Từ đó tôi mới tò mò không hiểu là vì căn cứ nào mà những ngôi chùa Phật giáo Việt Nam lại vẽ ra những hình tượng lại tạo tác nên những ký ức đồ họa hay những bức điêu khắc rùng rợn như vậy."
Văn hóa Việt: hình ảnh địa ngục trong tâm thức người Việt - ảnh 2Các tầng địa ngục theo Phạt giáo - Ảnh minh họa của tiến sĩ Trần Trọng Dương

"Các tầng địa ngục theo Phật giáo" là một tư liệu quý được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của người phương Tây hơn 130 năm trước, với những lời văn thâm trầm và triết lý, phần nào phản ánh đời sống văn hóa, triết học và tâm linh của người dân bản xứ thời kỳ đầu. Trả lời cho câu hỏi địa ngục Phật giáo nói chung và những biểu hiện của nó trong lịch sử văn hóa Việt Nam ra sao, thì cuốn sách là một lát cắt: "Cũng với một tâm thế vừa tò mò vừa ghê sợ, hai người Phương Tây lần đầu đặt chân đến Việt Nam, đến phần nhượng địa của Hà Nội - có lẽ là phải từ năm 1888 - ngôi chùa mà họ được đặt chân đến chính là chùa Báo Ân. Khi đã chuyển thành nhượng địa thì chùa Báo Ân đã bị phá hủy để xây dựng khu nhượng địa. Chùa Báo Ân là do Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai - vị quan giai đoạn đó có công lớn trong việc tạo nên phần lớn những kiến trúc Phật giáo ở Bắc Kỳ cùng Nguyễn Phúc Điền hòa thượng. Trong chùa Báo Ân có khắc họa hoàn cảnh bích họa Phật giáo hoặc là những hình tra tấn, nên chùa khi đó còn được gọi là là chùa khổ hình. Năm 1884 bác sĩ Pháp đã làm 1 seri chụp lại chùa Báo Ân và đăng tải trên nhiều phương tiện khác nhau. Sau đó những bức ảnh đó đã được in lito. Hai tác giả người Pháp đã đến chùa để làm một cuốn du ngoạn văn hóa." - Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho biết thêm

"Các tầng địa ngục theo Phật giáo" là chuyến chu du đầy suy tư qua những ngôi chùa Việt Nam của hai tác giả người Pháp Léon Riotor và Léofanti, họ“phỏng vấn” và đàm đạo với các sư trụ trì tại đây về “địa ngục” theo Phật giáo, được các nhà sư dùng kiến thức triết học, tôn giáo cùng những truyền thuyết của xứ sở để thuyết minh cặn kẽ các tranh vẽ địa ngục trên tường chùa. Tác phẩm được Nhã Nam in kèm ba tiểu dẫn và lời tựa của các học giả, giáo sư Pháp, cùng các họa tiết, tranh đầu chương, tranh đầu sách và mười hai phụ bản được các nghệ nhân người Nhật, Pha và Ly, vẽ bằng bút sậy theo các bản khắc nổi ở chùa Báo Ân. Mười hai phụ bản này thể hiện hình ảnh Thập Điện Diêm Vương, không chỉ độc đáo ở góc độ mỹ thuật mà như Ledrain nhận định, còn chứng tỏ mỹ thuật đã “len lỏi tới đâu trong tư duy của các nhân vật tôn giáo quyền lực và tầng lớp thường dân”.

Văn hóa Việt: hình ảnh địa ngục trong tâm thức người Việt - ảnh 3Chùa Báo Ân trong tư liệu để lại - Ảnh minh họa của tiến sĩ Trần Trọng Dương. 

Tiến sĩ Trần Trọng Dương chia sẻ: "Quần thể chùa Báo Ân khi đó là một trong những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc rất nổi tiếng của Hà Nội. Vì vậy nó được nhiều học giả gười Pháp, nhiều ký giả ghi chép, chụp ảnh lại. Khi tiếp cận đối với ngôi chùa thì hai học giả ngỡ ngàng bởi một nền nghệ thuật đồ họa, điêu khắc cho đến nghệ thuật tượng pháp. Đối tượng mà họ hướng đến chính là những hoạt cảnh Phật giáo. Trong cuốn sách này có chia làm 5 phần, nhưng thực chất chỉ có phần 4 phần 5 là miêu tả trực diện về  còn các chương 1,2,3 là những ghi chép, những khảo tả của hai ông giải đáp về những tầng địa ngục theo cách hiểu biết của họ. Tôi thấy họ có sự chuẩn bị trước khi đến đây họ đã đọc qua các loại lý thuyết khác nhau hoặc những sách khác nhau về địa ngục ở Đông Á, đặc biệt là các tài liệu tiếng Pháp về địa ngục Ấn Độ"

Đối với giá trị của cuốn sách Các tầng địa ngục theo Phật giáo , tiến sĩ Mai Anh Tuấn nhận định: "Tôi nhìn thấy có lẽ đây là 1 tư liệu rất đặc biệt. Trước hết những gì mà tôi được đọc ở tư liệu Pháp về Đông Dương, thì phần lớn là tiếp cận An Nam, tiếp cận Đông Dương trên rất nhiều khía cạnh lớn, những khía cạnh chúng ta có thể kiểm chứng được xác thực được, ví dụ về địa lý về cấu trúc của làng xã về cấu trúc của tâm tính con người Việt Nam. Tất nhiên cũng có những tư liệu, những nghiên cứu về tôn giáo, trong đó có Phật giáo nhưng cơ bản những nghiên cứu đó  chủ yếu nhìn nhận Phật giáo ở các phương diện như là sự thực hành các nghi lễ, tức là khía cạnh hiện hữu vật chất của nó. Còn cuốn sách này,  tư liệu này lại đi vào khía cạnh Phật giáo theo tôi là hơi siêu hình, là đi tìm xem cái nhận thức, quan niệm, hình dung của người Việt, cụ thể hơn là qua giới nhà chùa,thì địa ngục như thế nào. Và đó là một khía cạnh theo tôi tưởng là nhỏ nhưng lại khá quan trọng, vì nó lách vào thế giới tâm linh của người An Nam, thế giới tâm linh của người Việt. Do đó, là đứng về mặt khía cạnh tư liệu, đây là một cuốn sách tư liệu dù ngắn nhưng có thể bổ sung cho chúng ta một cái nhìn toàn diện hơn về đời sống xã hội, đời sống chính trị cũng như đời sống tinh thần tâm linh đầu thế kỷ 20".

Văn hóa Việt: hình ảnh địa ngục trong tâm thức người Việt - ảnh 4Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Thu Hồng

Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn cho rằng: Về quan niệm và sự xuất hiện của địa ngục trong hành trình văn hóa, tư tưởng Việt Nam và cụ thể hơn là Phật giáo, xuất hiện trong các trầm tích văn hóa tư tưởng của Việt Nam rất phức tạp. Ở đó có sự đan xen, sự dung hòa của nhiều tôn giáo khác nhau, ít nhất là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo.  Xét cho cùng việc tạo ra các tầng địa ngục trong Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, để răn cái ác, khuyến cái thiện, làm cho trật tự của xã hội hiện tại, trật tự của xã hội đang sống, của những con người cá nhân cụ thể trên mặt đất biết một thế giới mà mình có thể thuộc về và từ dó điều chỉnh lối sống của mình.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác