Văn nghệ sỹ với đề tài biển đảo

(VOV5) - Biển Đông đang dậy sóng và biển đảo đang trở thành đề tài nóng, thu hút các văn nghệ sĩ quan tâm sáng tác.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Biển đảo nói chung và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng là đề tài lớn cho các sáng tạo văn học, nghệ thuật từ xưa đến nay. Thực tế đã có rất nhiều bài thơ, bài hát, bức tranh, tiểu thuyết, truyện ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình, bút ký, phóng sự, ký sự, hình ảnh về đề tài này…

Biển Đông đang dậy sóng và biển đảo đang trở thành đề tài nóng, thu hút các văn nghệ sĩ quan tâm sáng tác. Đó vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm của người cầm bút. Và hiện thực biển đảo còn trở thành môi trường đào luyện tài năng, thử thách bản lĩnh, ý chí của người nghệ sỹ.

Sáng tác về đề tài gì là niềm yêu thích và sở trường của mỗi văn nghệ sỹ. Tuy nhiên, sáng tác về đề tài biển đảo luôn có sức hấp dẫn riêng, nó thể hiện trách nhiệm công dân của mỗi văn nghệ sỹ trước chủ quyền của đất nước, trước sự trường tồn của dân tộc.

Văn nghệ sỹ với đề tài biển đảo - ảnh 1

Nhà thơ Trịnh Công Lộc - một người sinh ra và lớn lên từ biển, gắn bó và yêu biển như một lẽ tự nhiên. Những vần thơ đầu tiên ông cũng viết về biển. Ông kề: “Tôi là một người sống ở biển, yêu biển và trân trọng lịch sử của dân tộc và lịch sử của biển đảo nên tôi thường làm thơ về biển. Biển đối với tôi như là một tình yêu gắn bó, có lẽ nó sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Đặc biệt khi biển có biến động, lãnh hải, biên giới Việt Nam có biến động thì cảm xúc của tôi lại dâng lên rất mạnh mẽ…”

Cách đây 5 năm, khi Trung Quốc đem giàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển nước ta, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã viết bài thơ “Còn đây Hoàng Sa” với những câu thơ đau đáu nỗi niềm: “Giây phút tháng năm này/thăm thẳm đau nhói thềm lục địa/thăm thẳm sót chập chùng xương máu/thuở ngàn xưa mở cõi biển Đông”…

Hay như bài “Giữa biển” ông mới viết gần đây như một lời khẳng định: “Giữa biển quốc lộ chỉ là nước/lênh đênh và lênh đênh/còn ta trụ lại với mình/giữa biển trời cao là mãi mãi biển sâu/Hoàng Sa là cực Bắc. Trường Sa là cực Nam/cũng là mãi mãi/còn đây Tổ quốc của mình…”.

Nhà thơ Trịnh Công Lộc cho rằng, khi Biển Đông dậy sóng thì biển đảo trở thành đề tài nóng, thu hút không chỉ riêng ông mà các văn nghệ sĩ khác quan tâm sáng tác: “Không chỉ riêng tôi mà đề tài biển đảo sẽ đeo đuổi các văn nghệ sỹ cả nước. Và tôi tin biển đảo vẫn là đề tài vô tận nhưng được phát huy, được tỏa sáng khi nó gắn với tấm lòng yêu nước, gắn với ý thức dân tộc, gắn với tinh thần bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi khi chủ quyền biển đảo bị đe dọa, vận mệnh của dân tộc, của đất nước bị uy hiếp thì lẽ tự nhiên lòng yêu nước và ý thức dân tộc lại dồn, lại bùng cháy. Có lẽ nhà thơ nào, văn nghệ sỹ nào cũng có đặc điểm giống nhau như vậy. Đó là sức mạnh tiềm tàng lớn lao suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của ông cha ta, của dân tộc ta”.

Ở cuộc thi thơ nhạc “Đây biển Việt Nam” do báo Vietnamnet và Hội Nhạc sỹ, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2011, hai giải Nhì của hai lĩnh vực được trao cho nhà thơ Trịnh Công Lộc và nhạc sĩ Vũ Thiết. Nhà thơ Trịnh Công Lộc với bài thơ “Mộ gió”, còn nhạc sĩ Vũ Thiết với ca khúc “Khúc tráng ca biển”.

Nhạc sĩ Vũ Thiết là tác giả của nhiều ca khúc viết về biển đảo như: “Lời sóng hát”, “Về với Trường Sa”. Bài hát mới nhất “Thư Trường Sa” ra đời sau chuyến ra Trường Sa gần đây của nhạc sĩ Vũ Thiết.

Cảm xúc về chuyến đi ấy vẫn còn dâng trào trong anh, và hơn ai hết, nhạc sĩ thấy những chuyến đi thực tế như thế rất cần thiết đối với các văn nghệ sĩ: “Nếu chỉ nhìn trên tivi thì chúng ta chưa thấy hết được Trường Sa. Ra trực tiếp thì chúng ta mới cảm nhận hết nỗi vất vả, cực nhọc, sự thiếu thốn và hiểu được sự hy sinh của người lính. Tôi thấy vô cùng xúc động và sáng tác những bài hát có sức lay động tới người nghe và cổ vũ tinh thần các chiến sỹ…”

Trong cuộc thi ảnh nghệ thuật về đề tài biển đảo quê hương năm ngoái, tác giả Trần Duy Tình ở Bình Dương đoạt giải thưởng xuất sắc với bộ ảnh “Bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Văn nghệ sỹ với đề tài biển đảo - ảnh 2 Tác phẩm Tổ quốc trên hết  trong bộ ảnh “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Duy Tình

Theo NSNA Trần Duy Tình, anh hướng góc máy phản ánh đa dạng, chân thực và sâu sắc về lực lượng hải quân, qua đó nêu bật hình ảnh lực lượng hải quân tinh nhuệ, làm chủ vũ khí, trang thiết bị hiện đại, luôn sẵn sáng chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

“Tôi thật hạnh phúc khi chuyển tải hình ảnh những anh bộ đội, những chiến sĩ hải quân vùng 2 nơi tôi đã được chụp để tới tất cả đồng bào cả nước cũng như là tất cả khán giả yêu ảnh nghệ thuật. Ngoài hình ảnh vẻ đẹp quê hương, vẻ đẹp cuả biển Việt Nam còn thấy được hình ảnh người chiến sĩ hải quân Việt Nam kiên cường bất khuất và yêu nước…” - NSNA Trần Duy Tình nói.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á– một nhiếp ảnh gia trẻ, lao động nghệ thuật nghiêm túc, tạo dấu ấn qua những triển lãm và công trình sách ảnh như "Họ đã sống như thế", "Tâm và tài, Họ là ai?", "Nick Vujicic và Những ngày ở Việt Nam", “Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam”. “Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam” cũng  là tên triển lãm ảnh gây tiếng vang lớn từng đi theo NSNA Nguyễn Á một hành trình dài từ TP. Hồ Chí Minh, qua Đà Nẵng, rồi ra Hà Nội.

Văn nghệ sỹ với đề tài biển đảo - ảnh 3Tác phẩm về Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ ngư dân đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa, của NSNA Nguyễn Á 

NSNA Nguyễn Á cho biết, anh đã nhiều lần ra Hoàng Sa và Trường Sa, chụp hàng nghìn bức ảnh, sau đó chọn lọc gần 200 bức ảnh quý giá để triển lãm. Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và biển đảo Việt Nam nói chung cũng chính là những trăn trở lớn nhất ở thời điểm hiện tại của người nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng này: “Tôi có nhiều ảnh và sách về chủ quyền biển đảo để cho mọi người thấy Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam chúng ta. Đề tài này nói lên được tình yêu nước của một người công dân, một người nghệ sỹ. Mình là người cầm máy ảnh mình phải có trách nhiệm truyền tải việc đó…” – NSNA Nguyễn Á nói.

Khi vùng biển nước ta bị xâm phạm, không có lý gì trái tim người nghệ sĩ lại đứng ngoài. Thay vì chỉ quanh quẩn với cái tôi chật hẹp, với những bức ảnh chụp phong cảnh đèm đẹp cũ kỹ, hãy đi, trải nghiệm, đồng hành cùng các chiến sĩ hải quân, các ngư dân…để trái tim ngân rung những sáng tác về biển đảo. Đó là cách thiết thực nhất góp thêm tiếng nói của một người công dân – một nghệ sĩ trước các vấn đề nóng bỏng của quốc gia, dân tộc.

Bằng việc sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi, các tác phẩm về biển đảo đều có giá trị, thể hiện muôn vàn cung bậc cảm xúc của nghệ sỹ và được công chúng hào hứng  đón nhận. Từ đó, tình yêu biển đảo nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung được truyền tải đến người dân một cách dễ dàng, hiệu quả và thiết thực nhất.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác