Vũ Tú Nam - Lòng nhân hậu qua những áng văn đẹp

(VOV5) - Nhà văn Vũ Tú Nam được xem là cây bút gạo cội, một cây đa cây đề thành công trong làng văn ở cả hai lĩnh vực, viết cho người lớn và trẻ em.

Vào một ngày mùa thu tháng 9, nhà văn Vũ Tú Nam đã rời xa cõi tạm để về với miền cao xanh. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên sẽ nhớ về những áng văn đẹp, giàu cảm xúc, cô đọng đã được ông viết nên từ chính tấm lòng yêu quý và trân trọng thế hệ trẻ.

"Tôi viết cho các em không bao giờ tôi nghĩ là viết bằng tay trái. Thậm chí khi viết cho các em cần phải thận trọng. Vì bạn đọc nhỏ tuổi như tờ giấy trắng, cho nên không được phép làm cái gì mà thiếu trách nhiệm, không kỹ. Tôi viết cho thiếu nhi khá viết nhiều. Và nếu ai nghiên cứu về thơ văn của tôi mà thiếu phần viết cho thiếu nhi là thiếu rất nhiều." - Đó là một trong vô vàn những câu chuyện đã được nhà văn Vũ Tú Nam kể cho chúng tôi nghe lúc sinh thời, khi khơi hỏi về các tác phẩm ông viết cho thiếu nhi. Và không chỉ được nghe ông kể, mà tôi còn được xem rất nhiều trang bản thảo đang được ông tiếp tục nối dài chờ ngày xuất bản.

Vũ Tú Nam - Lòng nhân hậu qua những áng văn đẹp - ảnh 1Nhà văn Vũ Tú Nam và vợ, nhà văn Thanh Hương - ảnh tư liệu: Zing 

Nhà văn Vũ Tú Nam được xem là cây bút gạo cội, một cây đa cây đề thành công trong làng văn ở cả hai lĩnh vực, viết cho người lớn và trẻ em. Thậm chí ông còn tâm sự viết cho thiếu nhi còn quan trọng, chu đáo và tỉ mỉ hơn khi viết cho người lớn. Bởi các em như những tờ giấy trắng, những điều viết nên sẽ còn mãi với thời gian. Chính vì thế nhà văn Vũ Tú Nam rất coi trọng những gì ông sáng tác cho thiếu nhi. Ông am tường sự vật, sự việc, viết đúng những gì các em cần từ sự tinh túy của ngôn từ, sự chính xác nhiều khi đến kiệm lời - đã được Vũ Tú Nam đúc rút trong quãng đời viết văn làm báo của mình.

Mỗi khi ngồi vào bàn viết, nhà văn Vũ Tú Nam lại có dịp thả tâm hồn cùng trí tưởng tượng phong phú và lô-gíc về thiên nhiên, con người, và cả những bài thơ ông đã thuộc lòng từ tấm bé. Không hiểu sao những bài thơ, câu chuyện ấy cứ sáng lấp lánh trong tâm trí ông. Để mỗi khi quây quần bên các cháu, ông lại đọc nó lên, rồi say sưa giảng giải ý nghĩa của các bài văn thơ đó.  Có hai chủ đề luôn được ngòi bút nhà văn Vũ Tú Nam trở đi trở lại đó là về thiên nhiên và con người. Thiên nhiên chính là cỏ cây hoa lá, các loài động thực vật xung quanh các em. Còn con người chính là những người thân yêu trong gia đình như: ông bà, bố mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác họ hàng…

"Yêu thiên nhiên là yêu cái cây, con chim, con cá… Khi mà tôi yêu thiên nhiên thì tôi quan sát thấy cái hay, cái đẹp thì tôi đều muốn viết để các em cùng thấy, cùng khám phá với tôi vẻ đẹp của thiên nhiên. Cái thứ 2 là yêu con người. Trước hết là trong gia đình mình… Nhiều khi các em không thấy. Hoặc thấy không hết. Tôi viết là để các em hiểu hơn về tình cảm gia đình. Viết có chi tiết rõ rằng thì các em sẽ thấy yêu quý gia đình. Hoặc như tôi viết tản văn “Biển đẹp”. Tôi quan sát biển lúc sáng sớm, buổi trưa nắng lớn, biển buổi chiều, biển vào đêm trăng… " - Ông từng chia sẻ.

Độc giả nhỏ tuổi sẽ không thể nào quên vẻ đẹp của những bông hoa gạo khi Mùa Xuân về: “Cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim. Từ xa nhìn lại, cây sừng sững như một tháp đèn khổng lồ. Hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi. Hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh. Tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen… đàn đàn lũ lũ bay đi bay về. Chúng nó gọi nhau, trêu ghẹo nhau, trò chuyện ríu rít.  Cô giáo Dương Xuân Trà My, Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” cho rằng chính những câu văn đẹp đó đã giúp các bạn học sinh hình dung rõ hơn vẻ đẹp của cảnh vật xung quanh, cách dùng từ ngữ sao cho đúng và chuẩn nhất. "Nhắc tới nhà văn Vũ Tú Nam thì tôi thường nghĩ tới những truyện ngắn viết về Trăng. Vì trăng luôn là đề tài hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò và sự tưởng tượng của các em. Ví dụ như truyện “Trăng trên lá” của nhà văn Vũ Tú Nam. Khỉ thì nhìn trăng như quả chuối chín vàng. Bạn Hươu thì nhìn trăng giống như sừng của con Trâu và mơ ước mình cũng có một cặp gạc to khỏe đẹp như Trâu. Bác Tê Tê thì quanh năm làm việc dưới đất không có cơ hội nhìn trăng thì chính các bạn Đom đóm sẽ tụ tập lại thành một ánh trăng. Mỗi một người sẽ có góc tưởng tượng khác nhau về trăng. Hoặc những câu chuyện khác về sự vật xung quanh, với góc nhìn của nhà văn Vũ Tú Nam thì luôn luôn hiện lên vô cùng sinh động, thân thiện gần gũi. Các bạn học sinh sẽ học được ở nhà văn vốn từ phong phú để viết văn…

Ngày nay nhiều bạn nhỏ đã không còn thói quen đọc sách, truyện. Văn hóa đọc không còn là sự lựa chọn hàng đầu của thanh thiếu nhi nữa. Chính vì thế các tác phẩm văn học được viết ngắn ngọn, cô đọng, xúc tích của nhà văn Vũ Tú Nam lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Bởi, như bạn Trần Thùy Dương (lớp 8A4 Trường Trung học cơ sở Chu Văn An- quận Tây Hồ- Hà Nội) chia sẻ khi đọc tác phẩm của nhà văn Vũ Tú Nam: "Các tản văn của nhà văn Vũ Tú Nam rất dễ đọc và giàu hình ảnh. Câu chữ ông viết ngắn gọn, dễ hiểu. Truyện ông viết cũng rất hay. Em thích đọc truyện “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công” hóm hỉnh giải thích vì sao loài Ngan lại có những đặc điểm rất khác so với loài Vịt, Ngỗng… Việc học của em ở trên lớn chiếm rất nhiều thời gian. Nhưng em vẫn thích đọc những truyện ngắn của Vũ Tú Nam, đặc biệt là những câu chuyện viết theo dạng đồng thoại. Nó giúp em thêm yêu quý thiên nhiên và con vật xung quanh mình."

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác