Lễ tiễn ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp

(VOV5) - Ngày này được xem là ngày đầu trong những ngày lễ của dịp Tết Nguyên đán bởi vậy lễ cúng tiễn ông Táo về trời được các gia đình Việt Nam chuẩn bị rất chu đáo. 

Các vị thần này giúp đỡ gia đình trừ yêu, diệt tà và cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các Táo lại cùng với các vị thần bốn phương khác lên Thiên đình để báo cáo với Ngọc hoàng về tình hình trong năm nơi hạ giới. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Người Việt tin rằng vị Táo quân là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia đình, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vậy nên theo truyền thuyết dân gian từ xa xưa, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm - ngày Táo quân cưỡi cá chép bay về trời, các gia đình thường làm lễ tiễn rất thịnh soạn để thần bếp phù trợ nhiều điều may mắn, ấm no, đầy đủ cho mọi người trong năm mới. Trong ngày này, mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, bếp núc sạch sẽ và chuẩn bị cúng lễ chu đáo.

Lễ tiễn ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp - ảnh 1 Mâm cơm cúng ông Công ông Táo có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn tùy theo gia chủ. - Ảnh minh họa: Báo Tin tức

Để chuẩn bị cho ngày tiễn ông Táo, từ rằm tháng Chạp, các gia đình đã mua sắm đồ để làm lễ. Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng phục vụ lễ cúng ông Táo được bày bán rất nhiều, chủ yếu là đồ vàng mã như: bộ Táo quân, thần linh, tiền vàng, hương, nến...  Một không khí cận kề cuối năm, mọi thứ dường như hối hả hơn.  

Đồ mã để tiễn các Táo về trời là vật phẩm không thể thiếu, gồm có 2 bộ mũ áo, hia của ông Táo, 1 mũ, hia của bà Táo và 3 con cá chép giấy. Nhiều gia đình còn lựa chọn mua cá chép sống để cúng tiễn ông Táo, bà Táo. Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, lý giải: "Sau khi cúng xong người ta sẽ phóng sinh cá vì họ quan niệm phóng sinh để lấy phương tiện cho Táo quân về trời, về trần. Cá chép được chọn vì trong quan niệm của dân gian Việt Nam, cá chép là biểu tượng của phú quý, biểu tượng của sinh sôi phát triển và cá chép trong tâm thức của người Việt có khả năng huyền diệu đó là vượt vũ môn hóa rồng, rồng sẽ gọi những cơn mưa - yếu tố rất cần cho cư dân nông nghiệp vào mùa sản xuất."

Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính là quần áo, mũ, hài, cá chép, mâm cỗ cúng được các gia đình chuẩn bị rất chu đáo, với những món ăn truyền thống để tỏ lòng biết ơn với táo quân. Gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ mặn... hoặc mâm cỗ chay gồm trầu cau, hoa quả, món ăn chay... để tiễn Táo quân. Bà Nguyễn Ngọc Lan, ở phố Tạ Quang Bửu, cho biết:"Cúng ông Công, ông Táo phải trước 12 giờ trưa. Mâm cỗ có con gà, bánh chưng, xôi, hoa quả, giò chả, có món canh, món xào đầy đủ dâng lên. Ngày này thường mọi người cầu xin sức khỏe, may mắn cả năm, mọi điều đều thuận buồm xuôi gió."

Lễ tiễn ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp - ảnh 2Theo phong tục, người dân thường chọn mua 3 con cá chép vàng để làm thương tiện cúng tiễn Táo quân về trời. Ảnh: TTXVN 

Ngoài mâm cỗ để thắp hương trên bàn thờ, nhiều gia đình còn sửa soạn một mâm cỗ nữa tại ban thờ ông thần bếp trong gian bếp nhà mình. Khi cúng, gia chủ bật bếp lên rực lửa, cùng với mâm cỗ đuề huề, cả nhà gửi gắm ước mong quanh năm được sung túc, no ấm.

Sau các thủ tục làm lễ, tiễn ông Táo lêm trời, cả gia đình cùng nhau quây quần bên mâm cơm, chuyện trò về việc sắm Tết, kể chuyện năm cũ và hướng về năm mới an khang thịnh vượng. Ông Trần Trọng Xuân, ở Hào Nam, Hà Nội, chia sẻ: "Đây là một nếp sống văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam rất nhiều ý nghĩa. Vì vậy, hàng năm, gia đình tôi năm nào cũng tập trung đông đủ các con cháu để làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên thiên đình."

Ngày nay, lễ cúng ông Táo vẫn được các gia đình duy trì. Tuy nhiên, với một số gia đình người Việt hiện đại, quỹ thời gian không nhiều, trong ngày này họ thường cúng giản tiện và nhẹ nhành hơn. Khi đó, lễ vật cúng chỉ là chậu cá chép, mâm cỗ đơn giản với gà luộc, xôi gấc, giò lụa, bánh chưng, nhưng vẫn không thể thiếu bộ mũ áo và hia cho các Táo lên Thiên đình.

Lễ tiến ông Táo về trời là 1 phong tục đẹp. Khi lễ chỉ cần một tấm lòng thành, một sự ngưỡng vọng nhớ ơn tổ tiên và các vị thần linh để bảo vệ cho gia đình mình một năm an bình, thịnh vượng thì chắc chắn ngày Tết sẽ thêm phần ý nghĩa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác