(VOV5) - Để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần đổi mới giáo dục đào tạo nhằm tạo ra nguồn lao động chất lượng cao.
Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều/TTXVN
|
Tại tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới thị trường lao động Việt Nam” diễn ra ngày 27/03, tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhấn mạnh cần phải đổi mới giáo dục đào tạo nhằm tạo ra nguồn lao động chất lượng cao để thích ứng được Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Các đại biểu cho rằng thực tế hiện nay mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với cuộc cách mạng này chưa cao. Việt Nam đang đứng thứ 90/100 về công nghệ đổi mới, 92/100 về công nghệ nền, 77/100 về công nghệ sáng tạo.
Ông Trần Chí Dũng, Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ rõ: “Phần lớn lao động Việt Nam đang ở trình độ 2.0, do đó lao động nước ta phải chuyển đổi dần dần sang mức trình độ 3.0 với khả năng internet phần mềm cho sản xuất kinh doanh trước khi chuyển sang các mức trình độ cao hơn. Trong cách mạng 4.0, Việt Nam phải tìm ra các lĩnh vực kinh tế vừa kết hợp giữa công nghệ và ưu thế tự nhiên thuận lợi của quốc gia thì nguồn nhân lực nói chung và các lao động phổ thông về định hướng đào tạo và chuyển dịch theo các ngành đó”.
Theo các đại biểu, để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần đổi mới giáo dục đào tạo nhằm tạo ra nguồn lao động chất lượng cao. Lực lượng lao động cần trau dồi, nâng cao kỹ năng, tư duy học hỏi… Nhà nước có những kế hoạch phù hợp để định hướng, cải thiện chất lượng, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số hóa hiện nay.