Chủ tịch Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị

(VOV5) - Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hòa bình là ưu tiên hàng đầu, chiến tranh chỉ là lựa chọn cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, là một tấm gương sáng ngời về lòng nhân ái, yêu thương con người. Người luôn đề cao tư tưởng hòa bình, hữu nghị đoàn kết giữa các dân tộc. Theo Người, hòa bình là lợi ích của cả nhân loại, giữ gìn hòa bình trên thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị - ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phong trào Hòa bình Pháp thăm Việt Nam (15/3/1955). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Ca khúc Bài ca Hồ Chí Minh (The Ballad of Ho Chi Minh) do Ewan MacColl (người Anh) sáng tác năm 1954 đã nhanh chóng phổ biến ở các quốc gia yêu chuộng hòa bình. Bài hát với ca từ dễ hiểu, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người như lời tự sự về cuộc đời Hồ Chí Minh từ những ngày đầu Người ra đi tìm đường cứu nước. Ca khúc từng được đề nghị biểu diễn nhiều lần tại đêm ca hát phản kháng chiến tranh tại Lahabana (Cuba) năm 1967. Thậm chí, bài hát được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, được hát ở nhiều nước, cho thấy trong lòng nhân dân thế giới, Người như một biểu tượng của tự do và hòa bình.   "Với tất cả sự kính trọng và tình cảm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một nhà lãnh tụ. 1 người Bác  yêu quý của nhân dân Ấn Độ." "Tôi biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi sang Việt Nam học tiếng Việt. Người là vị lãnh tụ vĩ đại, giản dị và đặc biệt Người luôn đề cao tinh thần đoàn kết và yêu chuộng hòa bình. Tôi cũng như các bạn học viên Lào rất kính trọng và ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh."

Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới dành cho Người lòng kính trọng bởi ở Người luôn ngời sáng tư tưởng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị - ảnh 2Khi tham quan khu di tích lịch sử Normandie, Hồ Chí Minh đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác như một biểu tượng của tinh thần: Giữ gìn hòa bình! Ngăn chặn chiến tranh!. Nguồn ảnh: Báo Nhân dân

Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hòa bình là ưu tiên hàng đầu, chiến tranh chỉ là lựa chọn cuối cùng. Minh chứng là những năm 50 của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho chính giới và nhân dân Pháp, cho các chính phủ, các nhà hoạt động chính trị, nhân dân các nước, vừa để phản đối cuộc chiến tranh của nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam, vừa kêu gọi đàm phán hòa bình.

Để thể hiện thiện chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lời thăm nước Pháp năm 1946. Người đã có hàng chục cuộc tiếp xúc với báo chí, với các Bộ trưởng, các tướng lĩnh Pháp...Khi tham quan khu di tích lịch sử Normandie, Người đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác như một biểu tượng của tinh thần: Giữ gìn hòa bình! Ngăn chặn chiến tranh!. Trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên Bernard Dranber (Báo Paris - Sài Gòn), ngày 13/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này, chúng tôi muốn tránh bằng mọi cách...”.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân tích: "Trong tư duy ngoại giao của Hồ Chí Minh, Người luôn luôn phân biệt giữa bạn bè và đối thủ. Quân đội Pháp xâm lược Việt Nam thì phải đấu tranh để đánh bại, còn nhân dân Pháp, dân tộc Pháp và nền văn minh Pháp thì được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng, coi đó như giá trị tinh hoa của nhân loại. Trong số những người bạn Pháp, kể cả những người có chính kiến khác, Người vẫn tìm thấy ở họ những điểm tương đồng."

Chủ tịch Hồ Chí Minh: biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị - ảnh 3Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: vov.vn

Ở Hồ Chí Minh, độc lập cho dân tộc mình đồng thời là độc lập cho tất cả các dân tộc trên thế giới; giải phóng dân tộc để giải phóng loài người.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng:  "Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ giá trị bao gồm cả thực tiễn lẫn lý luận. Nó không chỉ có giá trị về mặt tư tưởng mà còn mang ý nghĩa toàn cầu và vượt thời đại. Những giá trị đó còn nguyên vẹn đến ngày nay. Đấy là đạo đức sáng ngời, là tư tưởng tiến bộ mà UNESCO vẫn đang duy trì hiện nay."

Không chỉ yêu hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cao tinh thần hữu nghị, đoàn kết với các dân tộc. Trả lời nhà báo Ấn Độ hồi tháng 5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thái độ của nước Việt Nam đối với những nước Á châu là thái độ anh em, đối với ngũ cường là thái độ bạn bè” và “Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các láng giềng...”. Nhờ vậy, đi đến đâu, Người cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân sở tại.

Ông Chintamani Mahapatra, Hiệu trưởng trường Đại học Jawanari Neru (Ấn Độ), bày tỏ: "Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ, người đã đến rất nhiều địa điểm khác nhau, từ nhà máy, đến khu công nghiệp, các trang trại. Bất kể nơi nào Bác Hồ tới, lãnh đạo và người dân Ấn Độ đều chào đón Người bằng tình cảm nồng hậu, chân thành nhất. Không khó để nhận ra sự ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là 1 người bạn tuyệt vời của đất nước Ấn Độ."

Hơn 50 quốc gia Người đã đến, Người đều xây đắp tình hữu nghị và hòa bình. Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiên diện ở khắp nơi: hàng chục tượng đài, khu tưởng niệm Người được xây dựng; hàng chục con đường, đại lộ và nhiều trường học trên thế giới mang tên Người.

Vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam đã ghi dấu ấn trường tồn trong lòng người dân thế giới với biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị như thế.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác