(VOV5) - Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế phân tích về bức tranh phát triển năng lượng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Quang cảnh diễn đàn - Ảnh: Danh Lam/TTXVN
|
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 11/01, tại Hà Nội. Trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra 2 hội thảo quốc tế “Công nghệ, năng lượng xanh và phát triển bền vững” và "Nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa”.
Phát biểu khai mạc hội thảo “Công nghệ, năng lượng xanh và phát triển bền vững”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học có khả năng tái tạo và khắc phục được những hạn chế nêu trên là một nhu cầu tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang là xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu năng lượng. Nhiều quốc gia đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách phát năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn, tập trung nguồn lực về con người, khoa học, công nghệ và tài chính…hướng tới việc phát triển nền kinh tế các-bom thấp, bền vững và thân thiện với môi trường".
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế phân tích về bức tranh phát triển năng lượng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông John Kerry, Cựu ngoại trưởng Mỹ-Chủ tịch danh dự Quỹ hòa bình Quốc tế Carnegie, đặt vấn đề: Lựa chọn nào cho Việt Nam: Than đá hay Năng lượng tái tạo? Theo ông John Kerry: “Việt Nam sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, thay cho than đá. Chú ý sử dụng nguồn năng lượng Việt Nam có thế mạnh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Bởi Mỹ đã có nghiên cứu khá bài bản về việc sử dụng năng lượng tái tạo, so với Than đá. Việt Nam sẽ có lợi ích kinh tế, môi trường, phúc lợi người dân khi sử dụng năng lượng tái tạo thay sử dụng Than đá”.
Trong khi đó, tại hội thảo “Nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa”, các đại biểu thảo luận các vấn đề: mô hình tăng trưởng dựa trên vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên; cơ hội và thách thức của Việt Nam cho đột phá năng suất dựa trên sáng tạo và công nghệ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu cách mạng công nghiệp 4.0.