(VOV5) - Tại kỳ họp này, Quốc hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tất cả các hoạt động từ đăng ký đại biểu, tranh luận, biểu quyết… giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chiều ngày 17/11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV họp phiên bế mạc. Kỳ họp lần này đã đạt được kết quả quan trọng trên cả 3 lĩnh vực: lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội. - Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Kỳ họp thứ 10 được tổ chức thành 2 đợt, gồm: Đợt 1, họp trực tuyến (từ 20 đến 26/10); Đợt 2, họp tập trung tại Thủ đô Hà Nội (từ 2 đến 17/11). Tại kỳ họp này, Quốc hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tất cả các hoạt động từ đăng ký đại biểu, tranh luận, biểu quyết… giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Quốc hội dành 3 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Trong đó, xem xét, thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; các kế hoạch tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025... Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá: “Nhìn chung nội dung thảo luận bao quát, đi sâu vào những vấn đề các cử tri quan tâm, không khí thảo luận sôi nổi, thắng thắn và trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ và sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân, doanh nghiệp. Đến nay cơ bản kiểm soát tốt dịch, từng bước phục hồi kinh tế, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh giữ vững.”
Trên lĩnh vực lập pháp, Quốc hội dành 7 ngày thảo luận xây dựng pháp luật, chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp. Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, cho biết:“Trong công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội xem xét, thông qua 7 dự án luật, cho ý kiến về 4 dự án luật, thông qua 3 Nghị quyết. Trong 7 dự án luật có luật bảo vệ môi trường, luật xử lý vi phạm hành chính, đây là các dự án liên quan đến nhiều ngành thuộc quản lý nhà nước. Trong 3 Nghị quyết, có Nghị quyết phát triển sử dụng đất quốc phòng và an ninh, Nghị quyết chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh là những điểm đáng lưu ý”.
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ. Phiên chất vấn không chỉ đổi mới nội dung mà chất lượng cũng được nâng lên. Nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV cho đến nay và hầu hết các thành viên Chính phủ đều trả lời chất vấn. Ông Bùi Thanh Tùng, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, đánh giá: “Đây là phiên chất vấn không hạn chế các nội dung. Có nghĩa là đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ nội dung gì, nhất là những vụ việc nóng mà dư luận xã hội quan tâm, hoặc là những vụ việc còn tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua đã được Quốc hội chất vấn tại nhiều kỳ họp nhưng chưa được tháo gỡ triệt để hoặc là chưa có chuyển biến. Hầu hết các câu hỏi được trả lời rõ ràng, đầy đủ, đánh giá được những thành công trong thời gian qua, chỉ ra tồn tại hạn chế, và quan trọng đều chỉ ra giải pháp sắp tới.”
Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV. Các hoạt động tại nghị trường của kỳ họp này thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát; tạo động lực, khí thế mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong nhiệm kỳ tiếp theo.