Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

(VOV5) - Đây là chủ đề của hội thảo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức ngày 12/05, tại Hà Nội. Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác động của TPP đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, từ đó tìm ra những giải pháp vượt qua khó khăn, giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đứng vững trên thị trường quốc tế.

Giải pháp cho nông dân khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - ảnh 1
Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều phát biểu tại hội thảo (Ảnh: danviet)


Tham dự hội thảo, các đại biểu nhận định việc gia nhập TPP sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn, đặc biệt thúc đẩy sự hợp tác, đầu tư của các nước thành viên vào Việt Nam, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp cận được với ứng dụng công nghệ sản xuất mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hơn 10 triệu hộ nông dân Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Trước những thách thức đó, các đại biểu khẳng định giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ những thời cơ, thách thức khi gia nhập TPP, từ đó thay đổi tư duy về sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp cần trở thành cầu nối liên kết nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường.


Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết theo những nghiên cứu của FAO, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất so với 11 thành viên khác khi gia nhập TPP. Để người nông dân Việt Nam tận dụng được lợi thế này, đại diện FAO khẳng định đầu tiên cần thiết lập cơ chế ưu tiên để thu hút tư nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp; bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thông qua tăng cường các khung, khuôn khổ về thể chế, xây dựng năng lực cạnh tranh cho người nông dân trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thị trước quốc tế. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác