Giao lưu trực tuyến “Công lý cho nạn nhân chất độc da cam”

(VOV5) - Hướng tới ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” 10/8, sáng 30/7, tại Hà Nội, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Công lý cho nạn nhân chất độc da cam”.

Giao lưu trực tuyến “Công lý cho nạn nhân chất độc da cam” - ảnh 1
Quang cảnh buổi giao lưu (Ảnh: VGP)


Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Luật sư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) tham gia giao lưu và trả lời các câu hỏi của bạn đọc. 



Giao lưu trực tuyến “Công lý cho nạn nhân chất độc da cam” - ảnh 2
Trặng quà cho trẻ em là nạn nhân chất độc da cam. (Ảnh: TTXVN)

Các vị khách mời trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, giải đáp nhiều câu hỏi của bạn đọc về những ảnh hưởng của chất độc da cam đối với sức khỏe con người; các chế độ chính sách với nạn nhân da cam, kết quả của cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân. Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vụ kiện đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam/dioxin để quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân thế giới. Theo bà Phượng: “Các luật sư ở Mỹ đại diện cho các nạn nhân đã đến Việt Nam nhiều lần nên họ hiểu vấn đề, họ rất xúc động và đã cố gắng tìm tòi những tư liệu rất quý  giá. Những tư liệu này là những bằng chứng cụ thể, chứng minh rằng những công ty hóa chất có tội trong việc sản xuất ra chất diệt cỏ có dioxin để quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam”.


Việt Nam hiện có hơn 3 triệu người mắc chứng bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Chương trình giao lưu góp phần kêu gọi các nguồn lực xã hội để ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho nạn nhân; hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác