(VOV5) - Trải qua hơn 1 nghìn năm hình thành và phát triển Hà Nội đã khẳng định vị trí là trung tâm của cả nước về chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế.
Sáng 13/7 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, diễn ra Lễ mít tinh kỷ niệm 20 năm "Thành phố vì hòa bình" với điểm nhấn là lễ hội đường phố với sự tham gia của khoảng 10 nghìn người.
Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng các đại biểu dự Lễ Mít tinh kỷ niệm 20 năm Hà Nội được công nhận là “Thành phố vì hòa bình” diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, sáng 13/7. |
Ngay sau lễ khai mạc là màn thả chim bồ câu mang thông điệp hòa bình của người dân Thủ đô gửi đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, giới thiệu hình ảnh Thủ đô với những mục tiêu đã đạt được trong 20 năm qua vinh dự đón nhận danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình”.
Các vị lãnh đạo cùng tham gia thả chim bồ câu hòa bình. |
Các đại biểu đã cùng nhau diễu hành đi bộ vì hòa bình xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ngoài phần múa lân, rồng truyền thống, điểm nhấn đặc biệt của lễ hội là các màn trình diễn di sản văn hóa, với sự tham gia diễu hành của 10 khối gồm: Quốc tế, dân gian, làng nghề, tôn giáo, người cao tuổi, thể thao - nghệ thuật, công - nông - trí thức, tuổi trẻ Thủ đô.
Lễ hội đường phố với các khối diễu hành tạo nên bức tranh đầy màu sắc. |
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho rằng: Trải qua hơn 1 nghìn năm hình thành và phát triển Hà Nội đã khẳng định vị trí là trung tâm của cả nước về chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế.
Sự phát triển của Hà Nội trên thực tế dựa trên các nền tảng của hòa bình, các giá trị văn hóa về chất lượng của giáo dục và sự năng động sáng tạo: “Danh hiệu này cũng là vinh dự của cả đất nước với Hà Nội được coi là thành phố của niềm tin và hy vọng. Hòa bình là khát vọng của con người nhưng trong lịch sử của xã hội loài người thì loài người cũng phải gánh chịu bao cuộc chiến tranh thảm khốc, càng trải qua chiến tranh xung đột thì khát vọng hòa bình và hợp tác càng cháy bỏng, bởi lẽ đó, ngay trong lời nói đầu của Hiến chương thành lập Tổ chức UNESCO đã nhấn mạnh: bởi chiến tranh nảy sinh từ tâm trí con người nên thành lũy của hòa bình phải được xây đắp trong chính tâm trí con người”.
Ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO, chia sẻ Hà Nội giờ đây là một thành phố mở cửa, một Thủ đô hội nhập năng động vào hợp tác khu vực và quốc tế. Điều đó thể hiện đất nước Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, đầy trách nhiệm.
Hà Nội có các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, bởi vì đây là thành phần chính của văn hóa và Hà Nội có một tâm hồn văn hóa.