(VOV5) - Sáng 28/12, tại Hà Nội, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2021).
Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, gây hậu quả nặng nề, lâu dài đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm nạn nhân da cam. Ảnh: VOV |
Hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân. Những năm qua, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Phong trào “Hành động Vì nạn nhân chất độc da cam” do ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tháng 6/2011, đã lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam với những hình thức và bước đi phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước: "Hội cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” bằng nhiều việc làm cụ thể, với tinh thần “không để nạn chất độc nhân da cam nào bị bỏ lại ở phía sau”. Có nhiều hoạt động thiết thực hơn để chăm sóc sức khỏe, đời sống, việc làm của nạn nhân và gia đình người bị nhiễm chất độc da cam. Quan tâm giúp đỡ người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam".
Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.