(VOV5) - Báo cáo "Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân" được công bố ngày 04/04, tại Hà Nội.
Báo cáo do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp xã, phường. Báo cáo dựa trên ý kiến đánh giá của hơn 14.000 người dân tại tất cả 63 tỉnh, thành. Người dân được phỏng vấn ngẫu nhiên về hiệu quả của quá trình tương tác với các cấp chính quyền nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trong một năm qua. Đánh giá cao ý nghĩa chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công như công cụ đo lường và giám sát khách quan hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh "Các bộ chỉ báo khách quan như PAPI hay chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước một mặt được coi là căn cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các Bộ, ngành, địa phương. Mặt khác cung cấp chính sách quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn tới."
|
Chuyên gia của UNDP trình bày kết quả PAPI 2016. (Ảnh: DL) |
Kết quả PAPI 2016 cho thấy cho thấy ba xu thế biến đổi tích cực. Thứ nhất, cung ứng dịch vụ công tiếp tục được cải thiện trong năm 2016, thể hiện qua mức điểm tăng dần theo từng năm ở chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công”. Thứ hai, tỷ lệ người đi bầu đại biểu Quốc hội năm 2016 tăng hơn 2% so với tỷ lệ năm 2011. Thứ ba, những tác động tích cực trong quản lý đất đai kể từ khi Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 có hiệu lực. Đánh giá về cung ứng dịch vụ công, hiệu quả cung ứng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố năm 2016, không có địa phương nào bị giảm điểm khi so với năm bản lề 2011; trong khi đó 35 tỉnh, thành phố đã có những bước cải thiện đáng kể khi so sánh với kết quả năm 2011.