(VOV5) - Đề án này tổ chức lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị hạt gạo, giảm phát thải và phát triển bền vững khu vực nông thôn.
Hôm nay (05/04), tại Hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ, diễn ra Lễ khởi động cánh đồng 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ thông tin tại lễ khởi động - Ảnh: VOV |
Việc triển khai mô hình tại Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững, hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, cho biết trong đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, Cần Thơ sẽ tham gia 50.000 hecta.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè: "Thành phố Cần Thơ cam kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao với quy mô 38.000 hecta, đến giai đoạn 2026-2030 đạt 50.000 hecta theo kế hoạch".
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của cả nước, đóng góp rất quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu. Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao không chỉ là đề án thuần túy về mặt kỹ thuật, nâng cao hạ tầng cơ sở cho sản xuất, mà còn là đề án tổ chức lại toàn bộ ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị hạt gạo, giảm phát thải và phát triển bền vững khu vực nông thôn. Nòng cốt của đề án 1 triệu hecta lúa là hình thành những hợp tác xã, những tổ chức nông dân liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tiêu thụ lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao thực hiện tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Giai đoạn 2024 – 2025 Bộ Nông nghiệp và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn mô hình thí điểm tại 5 địa phương gồm Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ.