(VOV5) - Vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” vừa tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Quang cảnh tọa đàm - Ảnh: daibieunhandan.vn |
Chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái thích ứng với hiện trạng của nền kinh tế, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn. Đây là khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023 do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hôm nay (11/5), tại Hà Nội.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng cần gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, trong đó vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” vừa tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: "Chúng ta phải có những chiến lược về an ninh, ví dụ như: an ninh năng lượng hay các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng hoặc là an ninh lương thực. Một điều rất quan trọng mà tôi cho rằng chúng ta cần phải quan tâm, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời làm sao để kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau. Qua đó, giúp chúng ta nâng cao giá trị gia tăng trong các hàm lượng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và giúp cho doanh nghiệp lớn mạnh, đồng hành cùng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam".
Theo các chuyên gia, trong dài hạn, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.