Nhân quyền ở Việt Nam ngày càng được cải thiện

(VOV5) - Ngày 5-2, tại Geneva, Thụy Sỹ, phiên Kiểm điểm Định kỳ phổ quát (UPR) về tình hình nhân quyền Việt Nam được thực hiện tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam mới trở thành thành viên với kết quả 184/192 phiếu, cao nhất trong số 14 nước được bầu bổ sung ngày 12-11-2013. Cơ chế kiểm điểm định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với nội dung kiểm điểm việc thực hiện các quyền con người ở tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Năm 2009 là lần đầu tiên Việt Nam tham dự kiểm điểm về tình hình bảo đảm các quyền con người với Báo cáo giới thiệu tổng thể về hệ thống pháp luật, chính sách và thành tựu của ta trong lĩnh vực quyền con người.


Nhân quyền ở Việt Nam ngày càng được cải thiện  - ảnh 1
Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện tốt các Mục tiêu thiên niên kỷ (Ảnh: internet)


Theo hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền, Báo cáo kiểm điểm lần hai sẽ tập trung giới thiệu việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận từ lần kiểm điểm trước, đồng thời thông tin thêm về những phát triển mới, những thành tựu Việt Nam đã đạt được trên thực tế, đặc biệt là những lĩnh vực ưu tiên như xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số… Quá trình soạn thảo Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR lần hai với sự tham gia của 18 Bộ, ngành, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ và Quốc hội và sự tham gia tích cực và rộng rãi của các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng dân cư, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như của mọi người dân quan tâm. Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, Việt Nam đã đáp ứng hầu hết (trên 80%) trong số 123 khuyến nghị mà các nước đưa ra cho Việt Nam trong phiên Kiểm điểm Định kỳ đầu tiên năm 2009.

Kết quả phiên họp kiểm định lần hai này sẽ góp phần để Việt Nam-thành viên Hội đồng Nhân quyền-tiếp tục đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời Việt Nam có điều kiện chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt từ bạn bè quốc tế nhằm bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác