(VOV5) - Sáng nay (02/8), tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm về “Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng”.
|
Giảm nghèo bền vững cho người dân tộc thiểu số luôn là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Ảnh: Minh họa |
Hội thi được tổ chức từ nay đến tháng 12/2016 nhằm phát huy vai trò của cộng đồng, đặc biệt là các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là sự tích cực vươn lên của chính người nghèo, mục tiêu giảm nghèo đề ra đã đạt được những kết quả quan trọng: Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, đặc biệt ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn… Một trong những nội dung quan trọng mà Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đề ra là đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho cơ sở, cộng đồng, phát huy tinh thần tự lực của người dân trong quá trình thực hiện giảm nghèo tại địa phương. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, ở đâu có sự tham gia của cộng đồng thì ở đó, người dân được cải thiện đời sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo: "Cuộc thi này không dừng lại ở việc chọn ra người giỏi để trao giải mà cái chính là nhằm tiếp tục truyền thông, phổ biến, khích lệ để cả nước quan tâm đến vấn đề tìm giải pháp, tìm mô hình ở cộng đồng để giảm nghèo. Chúng ta nhân rộng mô hình, tuyên truyền vận động để phương thức, cách làm lan tỏa".
Cuộc thi này cũng nhằm tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, đảm bảo sự bền vững của môi trường, hướng tới sản xuất sạch để giảm nghèo bền vững và gia tăng giá trị cộng đồng; Tăng cường và tôn vinh sự đóng góp, phối hợp giữa các tổ chức hội, đoàn thể cấp trung ương và địa phương trong việc đảm bảo tính bền vững của các sáng kiến giảm nghèo bền vững tại cộng đồng.