(VOV5) - Các em đã thảo luận, chất vấn 2 nhóm vấn đề: phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Sáng nay (10/9), tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, đã diễn ra Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - Năm 2023 với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và 263 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu của 63 tỉnh, thành phố.
Chương trình là một trong những nhiệm vụ cụ thể nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em. Hoạt động này giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc hội, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Toàn cảnh phiên họp |
Tại phiên họp, các em đã thảo luận, chất vấn 2 nhóm vấn đề: phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em; Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các em tham dự phiên họp giả định hôm nay; hi vọng sẽ có nhiều em khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu sẽ nhận được sự tín nhiệm của nhân dân, trở thành đại biểu Quốc hội trong tương lai.
"Chính sự thể hiện xuất sắc của các cháu hôm nay cho thấy mô hình phiên họp Quốc hội giả định là mô hình rất có ý nghĩa và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng cho trẻ em trở thành những công dân có trách nhiệm và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai. Ý kiến thảo luận của các cháu và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định cũng là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em."
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VOV |
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Các cơ quan chức năng cần rà soát để hoàn thiện và chỉ đạo thực hiện các chính sách chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, con em công nhân, người lao động.