(VOV5) - Quốc hội Việt Nam là nghị viện khởi xướng cho việc tạo lập phương thức hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn giữa cơ quan lập pháp và hành pháp.
Từ ngày 23-25/08, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 (AIPA-42) theo hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Tham dự AIPA-42 với chủ đề "Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chuyển tới bạn bè khu vực và cộng đồng quốc tế thông điệp về một đất nước Việt Nam không ngừng đổi mới, Quốc hội Việt Nam trách nhiệm, tích cực và chủ động trong hợp tác liên nghị viện đa phương khu vực, chủ động, tích cực, đồng hành cùng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống COVID-19.
Tổng thư ký Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) Nguyễn Tường Vân. Ảnh: Hữu Chiến/ TTXVN |
Trả lời phỏng vấn báo chí về vai trò và sự đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong quá trình đổi mới của AIPA, Tổng thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân nêu rõ vào những thời điểm khó khăn của khu vực, Quốc hội Việt Nam đều có những động thái kịp thời, cùng với nghị viện các nước thành viên AIPA góp phần giải quyết những vấn đề nảy sinh trong khu vực.
Trong nỗ lực tăng cường mối quan hệ giữa Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Ðông-Nam Á (AIPO) trước đây, nay là AIPA, và ASEAN, Quốc hội Việt Nam cũng là nghị viện khởi xướng cho việc tạo lập phương thức hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn giữa cơ quan lập pháp và hành pháp.
Tại Đại hội đồng AIPO-23 (tổ chức vào tháng 9/2002 tại Hà Nội), với tư cách Chủ tịch AIPO, Việt Nam đã mời Tổng thư ký ASEAN tham dự kỳ họp như một trong những giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa AIPO/AIPA và ASEAN; bên cạnh đó, Việt Nam cũng có sáng kiến mời Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tham dự Kỳ họp Đại hội đồng. Những hoạt động này về sau trở thành thông lệ và được ghi trong Quy chế thành viên AIPO. Đây là những bước rất quan trọng trong tiến trình đưa AIPO/AIPA hội nhập quốc tế. Cùng với đó, Quốc hội Việt Nam cũng góp phần quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thư ký AIPA.
Theo Tổng Thư ký AIPA, Nguyễn Tường Vân, những dấu ấn này cho thấy Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng trong quá trình đổi mới AIPO/AIPA. Thông qua các hoạt động này, Việt Nam góp phần thúc đẩy quá trình đoàn kết và thống nhất trong AIPA; góp phần đẩy mạnh sự hợp tác và liên kết nội khối, tác động tích cực tới chính sách và việc thực thi pháp luật của các nước ASEAN.