(VOV5) - Việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo các tam giác phát triển khu vực và cả nước, đặc biệt nhằm tạo ra sự liên kết trong phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: Báo Tuổi trẻ
|
Sáng 6/5, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của các vùng kinh tế trọng điểm, đã hình thành từ nhiều năm, nhưng chưa có hội nghị lớn bàn về việc phát triển vùng. Việc hình thành các vùng kinh tế trọng điểm đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra nhằm tạo các tam giác phát triển khu vực và cả nước, đặc biệt nhằm tạo ra sự liên kết trong phát triển kinh tế xã hội.
Để tạo sự bứt phá cho vùng thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng phát triển, khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của vùng. Thủ tướng nhấn mạnh: "Các địa phương, bộ, ngành, các học giả, nhà đầu tư, đề xuất giải pháp để khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển đúng hướng, trở thành động lực được khẳng định mạnh mẽ hơn, tiếp tục là “đầu tàu, đầu kéo” cả nước. Trong các giải pháp đề xuất cần lưu ý cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính để tạo điều kiện cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá hơn nữa; đề xuất các thể chế, cơ chế trong điều phối vùng để nâng cao hiệu quả liên kết vùng”.
Tại hội nghị, một số đại biểu đề xuất Trung ương khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý đủ mạnh về vùng; hệ thống Luật pháp quy định về chính quyền địa phương cần phù hợp để hoàn thiện thể chế vùng. Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về vùng kinh tế động lực, giúp cho hoạt động vùng ngày càng hiệu quả hơn. Các đại biểu cho rằng Chính phủ cần có thể chế phát triển vùng. Chính phủ sớm đề xuất Quốc hội có cách tiếp cận dứt khoát về thể chế vùng mới tạo được động lực phát triển của vùng.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước và còn nhiều tiềm năng phát triển.