Tạo điều kiện về vốn cho ngư dân hiện đại hóa tàu cá

(VOV5) - Chính phủ sẽ giảm lãi suất, thực hiện ân hạn để đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần; đầu tư mới hạ tầng vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản.


Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm qua, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát báo cáo với Chính phủ việc xây dựng dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản. Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị định, Chính phủ sẽ giảm lãi suất, thực hiện ân hạn để đóng mới, cải hoán tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần; đầu tư mới hạ tầng vùng nuôi, sản xuất giống thủy sản; tạo cơ chế thông thoáng trong việc sử dụng tài sản là thủy sản nuôi, tàu cá để đảm bảo vốn vay, quy định rõ các điều kiện cho vay. Trước thông tin này, ngư dân Trần Quang Trung, thôn Phổ An, xã Nghĩa An (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng việc Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay vốn sẽ giúp cho bà con mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn ra khơi xa:Hồi xưa nếu có tài sản chính thì mình mới vay được còn không có tài sản chính thì không thế chấp vay được. Còn nếu nhà nước mà bỏ chính sách cũ kia mà ưu đãi cái mới thì ngư dân sẽ dễ dàng đầu tư tàu hơn. Mà đóng tàu sắt mà cho vay vốn ưu đãi đến 90% giá trị của tàu thì tốt hơn nhiều chứ.

Tạo điều kiện về vốn cho ngư dân hiện đại hóa tàu cá - ảnh 1
Đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm (Ảnh: KT)

Những nội dung trong dự thảo nghị định cũng nhận được đánh giá tích cực của các đại biểu Quốc hội. Ông Đặng Ngọc Tùng, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai, cho biết: “Chính phủ trong phiên họp hôm qua đã có những quyết sách rất hay đối với ngư dân, đặc biệt là ngư dân đánh bắt cá xa bờ. Chủ trương cho vay đóng tàu sắt tới 90%, với thời hạn trong vòng 10 năm mà lãi suất chỉ có 3%, tàu gỗ là 70%, lãi suất cũng 3%. Cho nên, Trung Quốc dù có phá, đuổi, bắt, đâm chìm tàu thì ngư dân Việt Nam không bao giờ bỏ ngư trường truyền thống.”

 Ngoài việc giảm lãi suất cho ngư dân, ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, về lâu dài, cần thêm sự hỗ trợ về kỹ thuật: “Theo tôi, vấn đề ở đây là chúng ta phải thành lập các doanh nghiệp dịch vụ và lấy chi phí bằng 0 cho các tàu cá của ngư dân.  Nghĩa là doanh nghiệp cung cấp nước ngọt, đá cây và cung cấp xăng dầu cho ngư dân với giá như trong đất liền và có tàu dịch vụ để quản lý, bảo dưỡng cho các tàu cá đó theo đúng quy trình hiện đại của quốc tế, giúp ngư dân bám biển lâu dài. Không phải chạy vào bờ bán cá rồi lại chạy ra. Vấn đề ở đây chính là phương thức sản xuất.”

Theo dự thảo Nghị định Bộ NN &PTNT trình Chính phủ, chính sách bảo hiểm cũng sẽ được mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng so với chính sách bảo hiểm hiện được áp dụng cho khai thác và dịch vụ khai thác hải sản ở Trường Sa, Hoàng Sa, DK1.

Được biết, sau phiên họp thường kỳ chiều qua, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định, trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất./. 


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác