(VOV5) - Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã về các địa phương, cùng nhân dân, đoàn viên thanh niên nô nức tham gia trồng cây xanh.
Trong không khí đầu Xuân, năm mới Mậu Tuất, chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Dịp Tết trồng cây xuân Mậu Tuất 2018, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã về các địa phương, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân, đoàn viên thanh niên nô nức tham gia trồng những cây xanh đầu tiên hưởng ứng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại xã Quân Bình, tỉnh Bắc Cạn. - Ảnh: TTXVN |
Dự kiến cả nước sẽ trồng 195 nghìn ha rừng tập trung và trồng 50 triệu cây phân tán. Những cây xanh được trồng trong dịp này nhằm thực hiện kế hoạch phát triển bền vững rừng ven biển, nâng cao chất lượng giá trị gỗ của rừng trồng và hướng tới thực hiện các mục tiêu trong Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Nam Định phát động Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất 2018. - Ảnh báo Nhân dân |
Tại Lễ phát động Tết trồng cây, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh việc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược, nhất là khi Trái đất đang nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, sức tàn phá ngày càng lớn, đe dọa cuộc sống con người.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ trồng cây đầu Xuân tại khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Lào Cai. - Ảnh: Quốc Hồng |
Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước cần hăng hái tham gia trồng cây, gây rừng, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, lấy bóng mát, trồng cây chắn gió, bảo vệ đê sông, đê biển, chống xói mòn đất, chống ngập mặn, chống cát lấn; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng kinh tế... phù hợp với điều kiện từng địa phương. Cùng với đó, người dân cần tự nâng cao ý thức bảo vệ rừng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Đoàn viên, thanh niên và học sinh trồng cây đầu Xuân 2018 ở TP Lào Cai. - Ảnh: Quốc Hồng |
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả tích cực, đưa lâm nghiệp từng bước xứng đáng là ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập đời sống người dân, phát huy vai trò bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước bền vững hơn.
Trồng cây xanh tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ an. - Ảnh: Báo Nhân dân |
Ngành nông nghiệp đang đặt quyết tâm tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế để thúc đẩy phát triển với dư địa rộng mở; thực hiện thắng lợi “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020”, với mục tiêu: Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng trên đơn vị diện tích; chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh gắn với bảo vệ rừng bền vững; đẩy nhanh dịch vụ môi trường rừng và lâm đặc sản, dược liệu...; nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 42% và kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho 25 triệu người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng, an ninh.