(VOV5) - Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sáng nay (16/02), tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), chủ trì họp Phiên thứ 9 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: VOV |
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại trong 3 đột phá chiến lược, thì đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; tạo ra không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua; do đó phải tập trung thực hiện hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.
Nếu giải ngân được 422.000 tỷ đồng (hơn 17,2 tỷ USD) vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông năm 2024 thì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các các bộ, ngành, địa phương: "Phải chủ động tích cực triển khai nhiệm vụ được giao và hoàn thành theo đúng tinh thần tức là phải đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, đảm bảo kỹ mỹ thuật, đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo xanh sạch đẹp cho đất nước chúng ta. Khó khăn ở đâu, thì ở đó phải giải quyết, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó tháo gỡ. Chủ đầu tư, các chủ thể có liên quan, phải chủ động phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với nhau giải quyết công việc theo thẩm quyền, thực hiện công việc có trọng tâm trọng điểm. Phải quan tâm đặc biệt đến công ăn việc làm sinh kế, hạ tầng y tế hạ tầng giáo dục, hạ tầng xã hội, cho những nơi người dân đã nhường đất ở, nhường nơi sinh kế của mình cho dự án."
Thủ tướng tin tưởng năm 2024 các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ ngành, các Ban Quản lý dự án, Nhà thầu, thiết kế, giám sát sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.