(VOV5) - Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là vấn đề rất lớn.
Sáng 31/10, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đây là vấn đề rất lớn, Trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; không hình thức để đảm bảo đúng thực chất, áp dụng không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà của cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Tổ 12. Ảnh: quochoi.vn |
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Trung ương trong mấy nhiệm kỳ qua đều nêu chủ trương về sự cần thiết tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả: "Bộ máy Nhà nước tại Nghị quyết số 17-NQ/TW đã đánh giá cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Phải sắp xếp tinh gọn lại. Trung ương mà tinh gọn được thì địa phương các tỉnh sẽ tinh gọn. Chính quyền là phải chính quyền phục vụ nhân dân. Chuyển đổi số cũng là để giảm biên chế. Trước kia thủ tục hành chính một cửa nay không có cửa nào thì còn hay hơn, một cửa vẫn là thủ tục."
Thảo luận về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội thống nhất thành phố Huế đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng còn một số hạn chế cần tiếp tục tìm giải pháp để hoàn thành các tiêu chí, như: quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa… để thành phố Huế thể hiện rõ vai trò dẫn đầu, là một cực tăng trưởng, cực đổi mới sáng tạo.
Các chính sách đặc thù được nêu trong Đề án cũng nhằm điều kiện để đầu tư đổi mới sáng tạo, là những bước đi ban đầu thử nghiệm những chính sách mới, nếu làm tốt sẽ nhân rộng ra cả nước.
Hiện nay, Việt Nam có 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Nếu Quốc hội thông qua Đề án này thì cả nước sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Các thành phố trực thuộc Trung ương đang đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.