(VOV5) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng hợp tác kinh doanh APEC, diễn ra sáng 15/5 tại Hà Nội.
Hội nghị Hội đồng hợp tác kinh doanh APEC là phiên họp quan trọng trong khuôn khổ các hoạt động Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ 2 đang diễn ra tại Hà Nội.
Hội đồng hợp tác kinh doanh APEC đóng vai trò là một thể chế, hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt |
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Hội đồng hợp tác kinh doanh APEC đóng vai trò là một thể chế, nắm bắt được tâm huyết và trí tuệ của các các doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả để hình thành các ý tưởng nhằm xử lý những thách thức quan trọng nhất mà châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt.
Tại Hội nghị lần này, các đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên bàn thảo những nội dung trọng tâm, giải đáp cho các vấn đề : Hướng phát triển của châu Á – Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới; APEC phải tiếp tục làm gì để tăng trưởng bao trùm, bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên số; Tạo dựng được một châu Á – Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ, là động lực của liên kết kinh tế toàn cầu trong một thế giới toàn cầu hóa. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Nằm ở tâm điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương luôn là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tương lai của khu vực là tương lai của Việt Nam. Các khuyến nghị và ý kiến của các quý vị ngày hôm nay sẽ đóng góp quan trọng vào tiến trình tư duy về hợp tác APEC đến năm 2020 và tương lai."
Bên lề Hội nghị, ông Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), khẳng định APEC năm nay diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều xáo trộn, phức tạp của quá trình liên kết ở khu vực. Là một nền kinh tế rất mở, năng động cho nên Việt Nam đóng góp tích cực cho quá trình liên kết, hội nhập của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bởi tương lai của APEC cũng chính là tương lai của Việt Nam: "Với mức độ hội nhập sâu rộng như Việt Nam, bên cạnh đóng góp về phát triển, hội nhập, thương mại, đầu tư của khu vực, APEC còn là nơi để đề ra những sáng kiến mới, để giải quyết những thách thức mà Việt Nam cũng đang phải đối mặt như đô thị hóa, cấu trúc dân số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, biến đổi khí hậu... Tất cả những cái đó đều trực tiếp liên quan đến thương mại, đầu tư và sự phát triển, giúp Việt Nam cải cách của chính mình."
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất giải quyết các thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn như năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế.