|
Nguyệt Du Cung- Vụ Bản, Nam Định- nơi thường diễn ra các hoạt động Chầu Văn- nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam |
(VOV5) - Hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa thờ nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và Châu Á - Bản sắc và giá trị” khai mạc sáng 29/9 tại Nam Định với sự tham dự của gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế. Hội thảo nhận được hơn 60 tham luận thuộc 15 chủ đề. Các tham luận đã tập trung giới thiệu nguồn gốc, lịch sử hình thành, phát triển, đặc trưng và ý nghĩa của văn hoá thờ nữ thần (Mẫu) ở châu Á và đặc biệt là ở Việt Nam. Là một tín ngưỡng, tục thờ nữ thần (Mẫu) là thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân nông nghiệp châu Á, đồng thời là triết lý về tinh thần yêu nước, về sức mạnh, đạo lý của các dân tộc. Trên phương diện văn hóa, tục thờ nữ thần (Mẫu) là bức tranh đa dạng, sinh động về nghệ thuật diễn xướng dân gian, phản ánh nhiều giá trị văn hoá đã được sáng tạo, tích tụ và trao truyền từ đời này sang đời khác, làm nên sức sống vĩnh cửu của các Nữ thần và của Mẫu.
|
Diễn xướng chầu văn tại Nguyệt du cung |
Hội thảo là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường, Nam Định, khi Nam Định đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là địa phương đại diện cho các tỉnh, thành phố trong cả nước lập hồ sơ khoa học “Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Nam Định” đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đề nghị Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nam Định là nơi phát tích, cội nguồn của tín ngưỡng thờ Tứ phủ và là quê hương của nhà Trần. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 29 và 30/9. Ngày 30/9, các đại biểu sẽ khảo sát thực địa, trải nghiệm nghi lễ hầu thánh của Đạo Mẫu Việt Nam, được thực hiện bởi những chủ thể tiêu biểu đại diện cho thanh đồng đạo quan tại Phủ Tiên Hương, Phủ Bóng và một số di tích khác.